ThienNhien.net – Trước tình trạng dịch cúm H1N1 đang lây lan tại Mexico và một số nước khác trên thế giới, ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng dịch cúm này lên mức báo động 5 trên thang báo động gồm 6 mức. Bài viết dưới đây của Mike Davis – tác giả cuốn sách xuất bản năm 2006 “The Monster at Our Door: The Global Threat of Avian Flu” (Tạm dịch: "Quỷ dữ nơi ngưỡng cửa: Hiểm họa cúm gia cầm toàn cầu") giải thích cách mà các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được toàn cầu hóa đã mở đường cho sự bùng phát của dịch cúm A-H1N1 tại Mexico.
Virus cúm A-H1N1 với mức độ nguy hiểm được báo động ở cấp 5 đã tiếm ngôi “sát thủ” của virut H5N1 hay còn gọi là cúm gia cầm trước kia. Tuy mức độ nguy hiểm đến tính mạng không thể sánh với dịch SARS năm 2003 nhưng dịch cúm này có thể tồn tại lâu hơn SARS và ít có chiều hướng rút lui trở lại nơi cư trú bí ẩn của chúng. Sự bùng phát ban đầu của dịch cúm tại Bắc Mỹ cho thấy tốc độ lây lan đã cao hơn hẳn đại dịch cúm tại Hồng Kông năm 1968.
Với giả thiết các chủng cúm A theo mùa giết chết 1 triệu người mỗi năm, như vậy chỉ cần một diễn biến mạnh lên không đáng kể, đặc biệt khi kết hợp với một tác động ngoại cảnh, chúng có thể gây ra cuộc tàn sát tương đương với một cuộc chiến.
Dịch cúm A-H1N1 đã được cảnh báo từ trước
Sự bùng phát của dịch cúm A-H1N1 là hoàn toàn đột ngột nhưng nó đã được cảnh báo từ trước. Sáu năm trước, nhà khoa học Bernice Wuethirich từng tuyên bố: “Sau nhiều năm ổn định, virut cúm A-H1N1 ở Bắc Mỹ đang trên đà tiến hóa nhanh chóng”.
Từ lúc được phát hiện vào đầu Thời kỳ suy thoái, cúm lợn H1N1 chỉ phát triển theo hướng hơi khác với gen gốc của chúng, song đến năm 1998 thì chúng bắt đầu bùng nổ.
Một chủng cúm gây bệnh bắt đầu làm chết hàng loạt lợn nái ở một nông trại lợn tại bang Carolina của Mỹ, sau đó các dạng mới và nguy hiểm của chủng này bắt đầu xuất hiện hầu như hàng năm, trong đó có sự biến đổi dị thường của H1N1 có chứa gen của H3N2, một loại cúm loại A khác lây từ người sang người.
Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng một trong những loại chủng biến đổi này có thể gây ra cúm cho người. Hai đại dịch năm 1957 và 1968 đều được cho rằng xuất phát từ sự kết hợp giữa virus cúm ở người và cúm gia cầm trong lợn. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống giám sát chính quy cho cúm H1N1. Lời cảnh báo về những nguy hiểm hiện hữu dĩ nhiên đã bị bỏ ngoài tai khi Washington lúc đó đang đầu tư vào chiến dịch chống khủng bố sinh học.
Nguyên nhân đẩy nhanh sự phát triển của cúm lợn
Các nhà siêu vi khuẩn học từ lâu đã tin rằng chính hệ thống nông nghiệp ở phía Nam Trung Quốc – một hệ sinh thái vô cùng phong phú về lúa, cá, lợn, gia cầm và chim hoang dã – là khởi nguồn gây sự phát triển đột biến của chủng cúm – cả cúm theo mùa và cúm đột biến gen.
Song chính việc công nghiệp hoá một cách rộng rãi của ngành chăn nuôi gia súc đã phá vỡ vị trí độc tôn tự nhiên của Trung Quốc trong sự tiến hóa của bệnh cúm. Nghề chăn nuôi trong các thập kỷ gần đây đã chuyển hoá thành dạng gần giống với ngành công nghiệp hoá dầu hơn là hình ảnh các nông trang êm đềm từng được miêu tả.
Đơn cử, năm 1965, có 53 triệu cá thể lợn của Mỹ được nuôi tại hơn 1 triệu nông trại, trong khi hiện tại 65 triệu con lợn chỉ được tập trung tại 65.000 cơ sở nuôi, một nửa trong số đó có tới hơn 5.000 con. Đây chính là sự chuyển đổi từ trang trại nuôi truyền thống thành những trại gia súc khổng lồ, nơi chứa hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn con gia súc có sức đề kháng yếu, chen chúc trong nóng nực và phân thải, đồng thời gieo mầm bệnh cho nhau với tốc độ chóng mặt.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Washington, Mỹ) năm ngoái cho biết “vòng tuần hoàn liên tục của các loại virus ở các bầy đàn lớn sẽ tạo cơ hội cho virus lạ hình thành thông qua hiện tượng hoán chuyển và tái kết hợp với nhau, khiến nguy cơ lây lan từ người sang người trở nên lớn hơn”.
Báo cáo còn cảnh báo rằng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi ở các trại chăn nuôi lợn là nguyên nhân làm gia tăng nhiễm chủng Staph, trong khi nước thải cống nơi đây có thể khiến “cơn ác mộng” E.coli và Pfisteria, sinh vật đơn bào đã giết chết hơn 1 tỉ con cá ở các cửa sông Carolina và gây bệnh cho hàng trăm ngư dân, bùng phát.
Vấn đề càng trở nên bi bét khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không ngăn chặn thành công để dịch bệnh lan rộng, cộng vào đó là sự đi xuống của y tế cộng đồng thế giới, sự vây bủa của các công ty dược phẩm về các loại thuốc, và hậu quả của công nghiệp hóa đang diễn biến đồng thời với sự mất cân bằng sinh thái do phát triển chăn nuôi bất hợp lý.