ThienNhien.Net – Từ lâu, con sông Tô Lịch ở Hà Nội vốn đã bị ô nhiêm nghiêm trọng và chỉ hiện hữu như một mương thoát nước của Thủ đô. Do đó, đã có nhiều ý kiến đề xuất việc cải tạo, nâng cấp con sông này. Ngày 07/05 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp bàn về vấn đề này và sẽ hoàn chỉnh phương án tổng thể cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch trong tháng 5.
Quá trình đô thị hóa, các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện khiến cho sông Tô Lịch ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng. Đi qua dòng sông, ở bất kỳ đoạn nào cũng thấy dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, tanh khẳm vô cùng khó chịu. Dọc hai bên bờ sông, thi thoảng lại có đoạn người dân vứt rác thải bừa bãi, những cống xả nước từ khu dân cư, nhà máy mặc nhiên tuôn chảy vào con sông đã bị khai tử từ lâu.
Theo nhiều con số thông kê, hiện nay, mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý. Dòng chảy của sông Tô Lịch sau đó hòa vào sông Nhuệ và sông Hồng. Các chỉ số ô nhiễm của dòng sông ở mức báo động, vượt chuẩn cho phép rất nhiều lần. Nước sông Nhuệ hoàn toàn không thể sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và thậm chí cả trồng trọt.
Đã có nhiều biện pháp đưa ra nhằm phục hồi cảnh quan cũng như dòng sông mang giá trị lịch sử của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Trong đó, có ý kiến cho rằng nên “cống hóa” dòng sông Tô Lịch. Nhưng, làm như vậy là mặc nhiên công nhận đó là một con mương thoát nước của nội đô.
Trong bản đề xuất phương án tổng thể về cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 07/05, cho thấy, cần phải cải tạo chất lượng nước sông là trọng tâm, lấy việc xây dựng đô thị sinh thái làm phương hướng, cải thiện sinh thái dòng sông và hai bên bờ sông. Ngoài ra, việc cống hóa dòng sông là không thể được, nhất là khi dòng sông ngoài việc là “nhân chứng lịch sử” còn là dòng chảy thoát nước và vai trò cải thiện khí hậu, hấp thụ bụi thải…
Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự án sẽ xây dựng nhiều trạm xử lý nước thải quy mô nhỏ trên từng đoạn sông để làm sạch nước sông. Đồng thời, xây dựng hệ thống cống bao dọc sông Tô Lịch để thu gom nước thải về trạm xử lý tại cuối nguồn. Nhưng, nhiều người cho rằng, việc thu gom toàn bộ nước thải này sẽ dẫn đến thiếu nguồn nước cho dòng sông, đặc biệt là vào mùa khô. Hơn thế, việc xây dựng đồng hộ hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền và cần nhiều thời gian để thực hiện.
Một phương án khả dĩ hơn cho việc cải tạo nước sông là phương án xử lý bán tập trung, kết hợp với xử lý tại nguồn. Theo đó, hiện dọc tuyến Tô Lịch có 10 cửa xả lớn – cống hộp, khoảng 200 cống tròn đường kính từ 300mm đến 1.8000mm. Đối với cửa xả lớn, các ngành chức năng đã đề xuất xây các trạm xử lý nước thải công suất nhỏ cho từng cửa xả hoặc một số cửa xả gần nhau. Nước sau khi xử lý có thể trả lại dòng sông, hoặc cũng có thể dùng làm nước vệ sinh, tưới cây… Còn với các cửa xả trung bình, có thể thu gom tập trung từng đoạn để chuyển về trạm xử lý nước thải.
Việc xử lý nước thải tại nguồn phải được chú trọng. Đối với những hộ dân trên lưu vực sông, cần sử dụng hóa chất, chế phẩm vi sinh để xử lý nước thải, đặc biệt là từ bể phốt trước khi thải ra cống chung. Tuy nhiên, phương án này cần rất cao sự nhận thức đúng đắn của người dân để thực hiện. Với các công trình xây mới, phải bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Với các cơ sở công nghiệp, y tế, làng nghề, phải dùng những biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm, kể cả đóng cửa, di dời…
Ngoài ra, vấn đề tăng cường dải cây xanh, kè bờ sông, các vườn hoa, bãi cỏ, đường dạo ven sông, bổ cập nước tự nhiên vào dòng chảy hay nạo vét dòng sông thường xuyên… cũng phải được quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải hoàn chỉnh đề án án cải tạo, nâng cấp sông Tô Lịch trong tháng 5 này để có thể trình UBND thành phố xem xét vào đầu tháng 06/2009. Mục tiêu của đề án nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước, ô nhiễm môi trường và cảnh quan trong khu vực.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, mặc dù đã được nạo vét và kè toàn bộ chiều dài 14,6 km nhưng sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nghiêm trọng do phải gánh chịu toàn bộ nước thải đô thị và công nghiệp chưa qua xử lý. Do đó, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các cơ quan, cơ sở sản xuất, khu đô thị trên toàn tuyến để thiết lập lộ trình xử lý nước thải, hạn chế tới mức thấp nhất mức độ ô nhiễm đối với sông Tô Lịch .
Trên đây mới chỉ là đề xuất, nhưng các “kế sách” để phục hồi dòng sông “đã qua đời” đã thấy rõ sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng trong việc xử lý môi trường sông Tô Lịch, nhất là thời điểm đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã cận kề./.