ThienNhien.Net – Ngày 06/05, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Duy Kháng, Trưởng phòng Vi sinh phân tử Viện đã có buổi làm việc với Viện Vắcxin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang để bàn kế hoạch hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắcxin cúm H5N1 và vắcxin cúm H1N1.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Duy Kháng khẳng định với việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ về công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất, tư vấn trang thiết bị, đào tạo nhân lực thì sau khi có chủng vắcxin của WHO cung cấp không lâu, Việt Nam sẽ sản xuất được vắcxin.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Duy Kháng hiện nay Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc sản xuất vắcxin H1N1. Thuận lợi thứ nhất là Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế đã từng rất quan tâm đến việc sản xuất vắcxin cúm gia cầm H5N1. Mối quan tâm ấy càng được nâng lên khi dịch cúm H1N1 xảy ra.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất vắcxin nên có thuận lợi về kinh nghiệm, về cơ sở vật chất, về hiểu biết của những người đã trực tiếp tham gia sản xuất vắcxin.
Thứ hai vì Việt Nam đã từng là tâm điểm của cúm H5N1 nên WHO đã quan tâm và hỗ trợ bước đầu về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về đào tạo nhân lực. WHO đã bước đầu hỗ trợ cho Viện vắcxin Nha Trang 2,7 triệu USD để xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất vắcxin cúm gia cầm ở giai đoạn 1. Nếu Việt Nam làm tốt, WHO sẽ tiếp tục giúp mở rộng sản xuất.
Thứ ba, WHO đã cam kết nếu quốc gia nào có đủ trình độ để sản xuất vắcxin thì WHO sẵn sàng cung cấp về chủng giống vắcxin, hỗ trợ thêm về chuyên môn và công nghệ để quốc gia đó tự sản xuất được vắcxin, san sẻ bớt gánh nặng cho WHO khi có đại dịch xảy ra./.