Châu Á đầu tư cho công nghệ sạch

ThienNhien.Net – Các chính phủ Châu Á đang hưởng ứng ý tưởng về thúc đẩy đầu tư xanh. Chiến lược này có thể thu hút hàng triệu USD cho các quỹ tài trợ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và gió vốn đang phải vật lộn với các điều kiện tín dụng chặt chẽ.

Chính phủ các nước châu Á thúc đẩy đầu tư xanh

Các thị trường chính của châu Á Thái Bình Dương từ Australia đến Trung Quốc và từ Nhật Bản đến Hàn Quốc đang ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc tìm kiếm các chất xúc tác đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo. Một số nước đang đề ra các mục tiêu đẩy mạnh năng lượng tái tạo để xúc tiến các dự án xanh quy mô lớn.

Các nhà phân tích cho hay, được thúc đẩy bởi sự những nỗ lực như vậy, đến năm 2012 châu Á có thể vượt qua châu Mỹ và châu Âu để trở thành thị trường lớn nhất cho các dự án năng lượng tái tạo.

Edgare Kerkwijk, GIám đốc điều hành của Asia Green Capital, một công ty quản lý đầu tư tập trung chủ yếu vào hàng hóa và năng lượng tái tạo, cho biết: “Trong khi các chính phủ đang tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, một phần ngân quỹ kích cầu đang được sử dụng nhằm thúc đẩy các dự án xanh vốn đang huy động được ngày càng nhiều đầu tư tư nhân”.

Trong khi khủng hoảng tài chính đã khuyến khích đầu tư tư nhân trong một số ngành công nghiệp và thị trường, ngành môi trường và năng lượng tái tạo châu Á lại được hưởng lợi từ các gói kích cầu của chính phủ.

Ngân hàng HSBC ước tính chi tiêu vào các dự án môi trường, bao gồm cả đầu tư vào ngành xe lửa, một phương tiện thay thế cho giao thông hàng không vốn phát thải cacbon cao, và hệ thống đường dây tiết kiệm năng lượng chiếm tới 20%, tương đương 272 tỷ USD trong gói kích cầu châu Á, gấp hai lần đầu tư cho các dự án xanh ở châu Mỹ và gấp 5 lần ở châu Âu.

Trong một bản báo cáo, nhà phân tích Nick Robin và Robert Clover của HSBC bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng rằng những cam kết này chỉ là bước đầu trong những nỗ lực xa hơn của các chính phủ trong việc sử dụng tăng trưởng kinh tế cacbon thấp như một đòn bẩy chính cho sự hồi phục kinh tế”.

Ở Australia, các nhà phân tích mong đợi đầu tư tư nhân và đầu tư chính phủ cho các dự án năng lượng sạch tới năm 2020 sẽ đạt 27,6 đến 41,4 tỷ USD.

Quốc gia này đang lên kế hoạch hưởng ứng chương trình kinh doanh khí thải lớn nhất của thế giới, mà công cụ chính sách đầu tiên của nó nhằm giảm khí nhà kính và tăng đầu tư vào năng lượng sạch.

Trung Quốc cũng dành phần lớn gói kích cầu kinh tế cho các dự án liên quan đến môi trường. HSBC ước tính đầu tư xanh chiếm đến 34%, tương đương với 200 tỷ USD, trong tổng gói kích cầu 586 tỷ USD của Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xanh. Tokyo mới đây cũng công bố kế hoạch lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời tại khoảng 37.000 trường học và đề ghị hỗ trợ khoảng 1009 đến 2521 USD cho mỗi chiếc xe ô tô sử dụng năng lượng mặt trời được mua.

Hàn Quốc cũng đặt một mục tiêu cho năng lượng thay thế, chiếm 11% tổng số nhu cầu năng lượng tới năm 2030, so với 2,6% hiện nay. Đầu tư đáp ứng được chỉ tiêu này ước tính khoảng 88.3 tỷ USD.

Quốc gia này có rất nhiều sáng kiến chính sách, bao gồm kế hoạch trợ giá cho điện từ các nguồn năng lượng tái chế tương tự như chính sách buộc các nhà máy điện lớn phải mua điện “xanh” từ địa phương với giá cao của Đức, mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp năng lượng sạch.

Các công ty năng lượng sạch hưởng lợi

Các công ty năng lượng tái tạo Châu Á, bao gồm cả công ty năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, Suntech Power Holdings, và Công ty DC Chemical của Hàn Quốc được hưởng lợi trong khi chính phủ giải quyết khó khăn trong việc phát triển năng lượng sạch.

Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời tại Đài Loan bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Motech, Công ty Công nghệ Năng lượng mặt trời E-Ton và Tập đoàn Năng lượng Gintech cũng sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất điện tử như tập đoàn Kaneka Nhật Bản, công ty Điện tử Sanyo, Sharp, công ty Yingli Green Energy Holding và JA Solar của Trung Quốc cũng được mở rộng.

Các chuyên gia trong ngành cho biết hầu hết các đầu tư có thể cho các dự án năng lượng gió, một lựa chọn rẻ hơn, mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất tuabin gió như Công ty Năng lượng Suzlon Ấn Độ và Công ty Khoa học Công nghệ Xinjiang Goldwind Trung Quốc.

Hầu hết các nhà đầu tư muốn chứng kiến sự minh bạch trong các điều luật về khuyến khích đầu tư của chính phủ. Việc thắt chặt tín dụng và ngân sách có hạn của chính phủ có thể hạn chế nguồn quỹ cho một số dự án.

Mức giảm đáng kể của giá năng lượng phát thải cácbon cao không khuyến khích các nhà đầu tư hùn vốn vào các dự án năng lượng tái tạo đắt đỏ, song các chuyên gia trong ngành tin rằng sự khuyến khích của chính phủ có thể khiến cho các doanh nghiệp trở lại với các dự án xanh.