ThienNhien.Net – Từ những năm đầu 1993-1994, bằng phương pháp "cầm tay chỉ việc", cán bộ khuyến ngư tỉnh Bình Định đã xây dựng được nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt thành công trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, ngoài đối tượng nuôi truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… bà con đã bắt đầu nuôi các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá bống tượng, cá chình….
Phong trào nuôi cá nước ngọt không chỉ đem lại nguồn thực phẩm mà còn giúp nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện trung du – miền núi như Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh, khẳng định hướng đi phù hợp, khai thác tiềm năng ao, hồ chứa nước ngọt khu vực trung du – miền núi.
Năm 2008, Trung Tâm Khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng khai thác thủy sản (NCUDKTTS) Bình Định tiến hành xây dựng mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm tại thôn Long Hòa xã An Hòa, huyện An Lão với hai chủ mô hình là ông Lâm Thành Xuân và ông Phan Thanh Phước với tổng diện tích là 2000m2 và số lượng cá thả 300 kg. Với số vốn đầu tư khoảng 130 triệu sau 8 tháng, cá phát triển tốt tỷ lệ sống đạt trên 95% , trọng lượng 300-320 gam/con, sản lượng ước tính trên 850 kg, cho lãi trên 120 triệu. Ngoài ra, với một hồ 200m2, ông Phước thả nuôi gần 100 con cá chình bông. Sau hơn 8 tháng nuôi, từ 250-300g/con giống, cá chình trong hồ nuôi của ông Phước đã đạt bình quân 1kg/con, cá biệt có con gần 2kg/con. Với giá thu mua 280.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi thu được đến 60 triệu đồng.
Thành công có được là nhờ trong quá trình nuôi, đựơc sự hướng dẫn thường xuyên của cán bộ kỹ thuật, chủ mô hình thực hiện đúng theo phương án sản xuất từ việc đề cao công tác phòng bệnh như tắm cá giống bằng muối, kháng sinh, xếp đá, ống tre làm hang cho cá cư trú, không để cho cá nằm sát đáy ao, dễ bị bệnh ký sinh trùng, luôn giữ mức nước cao trên 1,4m để ổn định các yếu tố môi trườn g, định kỳ sử dụng lá sầu đông khi cá đạt từ 2 tháng tuổi, rải vôi trước và trong khi mưa khắc phục kịp thời những sự cố về môi trường.. cho đến công tác quản lý thức ăn dựa trên sàn cho ăn, diễn biến màu nước và thức ăn tự nhiên trong ao, bắt cá khác còn lẫn trong ao như cá rô phi, chép, trắm cỏ, ..bằng cách hạ mức nước còn khoảng 0,5 m, tiến hành rải thức ăn nổi và chài cá tạp lên để giảm hao tốn thức ăn, tận dụng tối đa nguồn thức ăn tại chỗ bằng cách nuôi trùn quế, trùn đất, bắt cá tạp, nhái.. từ sông hồ.
Từ thành công của những mô hình này, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông và khuyến ngư Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông các huyện đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi các loại cá đặc sản như chình và bống tượng, đồng thời huy động mọi nguồn vốn để nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn được vay vốn nhân rộng mô hình. Bước đầu thành công này khẳng định việc nuôi thủy đặc sản là phù hợp với những điều kiện của nông dân về mặt ao nuôi, kỹ thuật, vốn, hiệu quả kinh tế. Mặt khác, còn góp phần vào mục tiêu đa dạng hóa vật nuôi thủy sản, tạo nghề mới (nuôi thủy đặc sản, dịch vụ con giống, cung cấp thức ăn), giải quyết lao động nhàn rổi ở địa phương. Xa hơn, đó là phát huy được lợi thế của những nơi có điều kiện thuận lợi khác trong tỉnh như các vùng hạ lưu của hồ chứa, gần sông, suối, ven đầm với những quy mô kinh tế trang trại liên hợp hay nhỏ lẽ…
Với tổng diện tích mặt nước hồ chứa toàn tỉnh gần 5.000 ha trong đó các hồ chứa ở miền núi như Hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh, diện tích khoảng 1.385 ha) và một số hồ chứa nhỏ khác (Hồ A Vĩnh Sơn, Hồ Tà Niên- Vĩnh Thuận), nghề nuôi cá nước ngọt chưa được áp dụng để mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng. Năm 2009 tổng diện tích nuôi cá quảng canh mặt nước lớn hồ chứa khoảng 3.000 ha, mật độ thả từ 0,05- 0,1 con/m2 với đối tượng nuôi chính mè hoa, mè trắng chiếm 90%, trôi, chép, trắm cỏ chiếm khoảng 10%.
Nhằm thúc đẩy phong trào nuôi cá lồng hồ chứa phát triển, năm 2009, Trung tâm xây dựng mô hình nuôi cá lồng nước ngọt trong hồ chứa Định Bình, xã Vĩnh Hảo huyện Vĩnh Thạnh với 144 m3 lồng (3 mô hình) cho đối tượng nuôi là cá rô phi đơn tính và 48 m3 lồng (1 mô hình) nuôi cá bống tượng. Cuối tháng 3 năm 2009,Trung tâm cũng đã tổ chức tham quan và trao đổi kỹ thuật, thị trường tiêu thụ cho đoàn cán bộ và nông dân 3 huyện: Hoài Ân, An Lão và Vĩnh Thạnh tại hộ ông Đinh Chí Quyết, là hộ nuôi lồng cá rô phi đơn tính, cá điêu hồng thành công tại hồ Mỹ Thuận (xã Cát Hưng, huyện Phù Cát) có quy mô 15 lồng (36 m3/lồng) với sản lượng đạt 30 tấn trong năm 2008.
Qua đó cho thấy ưu thế và tính khả thi của hình thức này là đầu tư ban đầu làm lồng nuôi có thể tận dụng vật liệu sẳn có ở địa phương, như tre và lô hội với chi phí thấp và nuôi được mật độ cao, đạt năng suất cao; thuận lợi cho khâu chăm sóc quản lý, có thể chủ động thay đổi đối tượng nuôi, cỡ thương phẩm theo nhu cầu thị trường và chủ dộng thời điểm bán được cá còn sống, với chất lượng cao,… khả năng thất thoát do thời tiết được hạn chế vì có thể chủ động chuyển vi trí lồng.
Nghề nuôi cá lồng trên hồ chứa phát triển sẽ đóng góp tích cực trong việc cung cấp nguồn thực phẩm thủy sản tươi sống, giàu đạm cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội và tăng thu nhập cho bộ phận người dân sống quanh các hồ chứa. Đây cũng là bước tạo đà phát triển cho một nghề nuôi mới theo định hướng phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2010- 2020.
Ngoài việc triển khai các mô hình trình diễn khuyến ngư, hàng năm Trung tâm Khuyến ngư và NCUDKTTS Bình Định còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, thông tin tuyên truyền và chương trình hỗ trợ giống và thức ăn cho đồng bào nuôi cá miền núi. Từ năm 2007 đến nay, thực hiện Dự án hướng dẫn người nghèo cách làm ăn của tỉnh, Trung tâm phối hợp với Hội Nông Dân và Trạm Khuyến nông 5 huyện miền núi (Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão) thực hiện chương trình hỗ trợ nuôi cá miền núi cho đồng bào dân tộc vùng sâu – vùng xa, nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo và cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân tại đây.
Trong năm 2008, chương trình đã triển khai trên 7 mô hình cho 183 hộ nuôi tại 5 huyện, cá đạt kích cỡ trung bình 300 g/con, tỷ lệ sống khoảng 60-70%. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Chương trình hỗ trợ phát triển thủy sản FSPS2 Bình Định thực hiện các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, cá bống tượng, cá chình và tổ chức các lớp tập huấn, thực hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân từng bước tiếp xúc với kỹ thuật nuôi các đối tượng thuỷ đặc sản nước ngọt, học hỏi rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Qua phát triển nghề nuôi cá nước ngọt miền núi, đã từng bước hạn chế các nghề khai thác theo kiểu hủy diệt môi trường, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các hồ chứa, phục hồi các nghề truyền thống như nghề đăng sáo; nghề lưới; nghề thả dẹp…giúp bảo vệ nguồn giống của các đối tượng có giá trị kinh tế như chình, bống tượng tại địa phương không bị ảnh hưởng về chất lượng và tỷ lệ sống, tạo đà cho nghề nuôi thương phẩm.
Nhìn chung, các mô hình trình diễn khuyến ngư cho đồng bào miền núi qua các năm đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Thành công đó là nhờ sự chủ trương chính sách phù hợp của nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng chuyên môn và địa phương, bên cạnh là lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến ngư và NCUDKTTS Bình Định đối với đồng bào miền núi. Những mô hình có kết quả tốt sẽ được phổ biến, nhân rộng cho các khu vực khác nhau, phù hợp trên địa bàn tỉnh Bình Định trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn do yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu và thông tin tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, do đó cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, đoàn thể để định hướng và giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.