ThienNhien.Net – Mọi người đều biết sợi tơ nhện mong manh mà gió thổi hơi mạnh cũng có thể đứt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cũng sợi tơ ấy khi được bổ sung thêm kim loại sẽ trở thành một loại vật liệu bền hơn cả thép, nếu xét theo tỷ trọng.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu cấu trúc vật lý vi mô mang tên Max Planck tại thành phố Halle (Đức), đã sử dụng công nghệ “Phun lớp mỏng ở cấp độ nguyên tử” (ALD) khi chiếu các chùm iôn kim loại lên tơ của loài nhện có tên khoa học là Araneus diatermatus.
Như vậy, bề mặt tơ nhện được phủ một lớp ôxít kim loại cực kỳ mỏng, và một số ion kim loại còn xâm nhập vào bên trong sợi tơ, khiến độ bền của sợi tơ tăng lên rất nhiều lần.
So sánh kết quả thử nghiệm tơ nhện được bổ sung 3 loại kim loại khác nhau, các nhà khoa học phát hiện thấy nếu sử dụng phương pháp ALD với kẽm, độ bền của tơ nhện tăng lên 5 lần, với nhôm tăng 9 lần và với titan tăng lên 10 lần.
Theo các nhà khoa học, khi sử dụng công nghệ ALD, kim loại đã có phản ứng với cấu trúc protein của tơ nhện, tạo thành các kết nối bền vững giữa các mạch amino axid polymer bên trong sợi tơ.
Thông thường, các mạch polymer này chỉ nối với nhau bằng các liên kết yếu là các nguyên tử hydro.
Các nhà khoa học hiện đang áp dụng thử nghiệm phương pháp trên với sợi nhân tạo, và nếu thành công, con người sẽ có những loại sợi siêu bền để sử dụng trong công nghiệp dệt trong tương lai./.