ThienNhien.Net – Vùng đệm bao quanh Vườn quốc gia Yok Đôn là những khu rừng có hệ sinh thái đa dạng với các loài thực vật phong phú, đặc biệt là những loại cây dược liệu tự nhiên. Đáng tiếc là những năm gần đây, vùng rừng này bị xâm hại và tàn phá nhiều, tài nguyên giảm sút, các loài cây dược liệu quý cũng bị suy giảm đáng kể.
Vùng rừng đệm Vườn quốc gia Yok Đôn rộng trên 100.000ha, gồm các xã Krông Ana, Ea Tul, Ea Huar, Ea Wen (huyện Buôn Đôn), Ea Bung, Ea Lốp và Chư Ma Lanh (Ea Súp-Đắc Lắc). Ở đó, cộng đồng các dân tộc M’nông, Êđê, Lào, Kinh sinh sống và giao lưu kinh nghiệm sử dụng cây thuốc đã tạo nên sự tổng hợp kiến thức về sử dụng các loài thực vật điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Trước đây, bà con các dân tộc trong vùng gắn bó với rừng và biết hái lượm những loại cây thuốc để chữa bệnh qua những bài thuốc dân gian, thuốc gia truyền với cách dùng đơn giản và khá hiệu quả.
Qua nhiều năm nghiên cứu và điều tra thực tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học đã sưu tầm được 120 loài thực vật làm dược liệu thuộc 95 chi, 53 họ và 32 bộ.
Trong số những loài thực vật này có khoảng 45% loài cây gỗ, 32% loài thân thảo và 23% là cây dây leo. Những loại thảo mộc sử dụng làm thuốc khá đa dạng về chủng loại. Có loài sử dụng cả cây; có loài chỉ dùng riêng lá, vỏ, cành, hạt, rễ; có loài chỉ dùng phần nước, nhựa trong cây để làm thuốc. Các loại bệnh có thể sử dụng nhiều bài thuốc khác nhau với kinh nghiệm dùng của mỗi dân tộc cũng khác.
Điều đáng quan tâm là, các loại cây dùng làm thuốc phân bố khá rộng, ở nhiều sinh cảnh, kiểu rừng khác nhau của rừng khộp, của rừng cây bằng lăng nửa rụng lá, trong các trảng cỏ, cây bụi; ven sông suối, đầm lầy. Trong đó, rừng khộp cung cấp số lượng lớn các loại cây làm thuốc với nhiều loài thực vật khác nhau. Loại rừng nửa rụng lá và rừng thường xanh chiếm diện tích không nhiều nhưng cung cấp một số loại thuốc quan trọng.
Để bảo tồn cây dược liệu vùng đệm vườn quốc gia, các huyện Buôn Đôn, Ea Súp phải nghiêm ngặt bảo vệ rừng, giúp đỡ bà con dân tộc trong vùng định canh định cư, kết hợp giao đất giao rừng, ổn định địa bàn canh tác.
Các địa phương phải phối hợp với ngành lâm nghiệp vận động người dân bảo vệ những loài cây thuốc tự nhiên, đặc biệt những loài thuốc quý; đồng thời hướng dẫn cho bà con thu hái, nhằm giữ gìn nguồn gen.
Đối với một số vùng có loài cây thuốc quý phải bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ cho phép thu hái trong thời gian nhất định, bảo đảm cho cây tái sinh, sinh trưởng và phát triển tốt. Các địa phương phải khuyến khích bà con các dân tộc có thể trồng và nhân rộng các loại cây thuốc hoang dại trong vườn thổ cư và trên nương rẫy, nhằm bảo vệ tốt tài nguyên rừng và sử dụng thuốc chữa bệnh có hiệu quả./.