ThienNhien.Net – Những năm gần đây, khách du lịch về Bến Tre không ngừng tăng, kể cả người nước ngoài. Trong 8 năm qua, doanh thu du lịch đã tăng từ 32 tỷ lên 159 tỷ đồng. Đó là điều đáng mừng. Đặc biệt, sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, đã có không ít người cho là khách sẽ ào ạt về Bến Tre. Nhưng thực tế đòi hỏi nhiều điều cần phải làm để có thể lôi kéo khách về Bến Tre nhiều hơn.
Tiềm năng còn quá dồi dào
Nếu nhìn từ góc độ du lịch và so sánh lợi thế trong vùng, có lẽ Bến Tre được thiên nhiên ưu ái khá nhiều. Là vùng đất được bao bọc bởi 4 nhánh hạ lưu con sông Cửu Long, Bến Tre có bờ biển dài, có rừng ngập mặn, lắm sông nhiều rạch, cù lao, cồn bãi, nên bốn mùa khí hậu ôn hòa, mát mẻ, có không ít loài động, thực vật đặc thù.
Về Bến Tre đầu tiên phải nói đến cây dừa. Bến Tre được gọi là “quê hương” của dừa, với trên 44.000 ha, đó là một lợi thế. Con người nơi đây đã biết tận dụng tất cả các thành phần từ thân, lá đến trái dừa. Vỏ dừa có chỉ xơ dừa, mụn dừa. Gáo dừa làm than, làm hàng thủ công mỹ nghệ. Cơm dừa ngoài việc nạo sấy để xuất khẩu, làm dầu dừa, không còn món dừa kho khô để ăn dân dã thường nhật, mà ngày nay chỉ còn là đặc sản ở nhà hàng. Nước dừa làm thạch dừa, nước màu dừa cũng đưa đi xuất khẩu. Thân dừa, cọng lá dừa,… tất cả làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tập trung nhiều ở Hưng Phong (huyện Giồng Trôm), Cồn Phụng (huyện Châu Thành). Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo Mỏ Cày, kẹo Thanh Long, kẹo Bến Tre,… đều có chất liệu của dừa.
Bến Tre còn là một trong những “vương quốc” cây ăn trái của Nam bộ, với 36.000 ha quanh năm xanh tươi, trĩu quả, với nhiều loại trái đặc sản như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh trứ danh,… ở Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Thị Xã.
Di tích lịch sử ở Bến Tre cũng là điểm hẹn của du khách. Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc ở xã An Đức (huyện Ba Tri). Nhà thơ yêu nước tuy không sinh ra trên mảnh đất này, nhưng ông chọn nơi đây để sinh sống, dạy học, bốc thuốc trị bệnh cho dân và làm thơ trong khoảng thời gian dài cuối đời. Đây là một trong những tài nguyên nhân văn quan trọng nhất của Bến Tre. Khu lưu niệm Đồng Khởi ở xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam), nơi đã khai hoả phong trào Đồng Khởi năm 1960, để rồi sau đó phong trào lan ra toàn tỉnh, toàn miền. Chính nhờ có phong trào này mà Bến Tre được vinh danh mang tên “quê hương Đồng Khởi”. Nơi đây còn có làng du kích Định Thủy, đội quân tóc dài lừng danh. Về đây thử một ngày “làm du kích” sẽ có sức hấp dẫn lạ kỳ. Bến Tre còn có đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam gồm các di tích Vàm Khâu Băng, Cồn Bửng, Cồn Lợi, Cồn Lớn thuộc xã Thạnh Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Là căn cứ cách mạng, và cũng là nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định khởi hành ra Bắc gặp Bác Hồ và xin Trung ương chi viện vũ khí. Bến Tre còn có căn cứ cách mạng Y4 nằm trên 02 xã Tân Phú Tây và Thành An của huyện Mỏ Cày Bắc, nơi mà khu ủy Sài Gòn – Gia Định trú ngụ hơn 02 năm để chỉ đạo nhiều trận đánh lớn vào cơ quan đầu não của địch.
Nhà ở của Bến Tre cũng là di tích, như nhà của ông Nguyễn Văn Cung với ngã 3 cây da đôi, nơi mà chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Bến Tre vào tháng 04/1930 tại xã Tân Xuân huyện Ba Tri. Nhà của ông Nguyễn Văn Trác ở xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, nơi cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lưu trú và hoạt động cách mạng trong thời gian 1955-1956.
Bến Tre còn có nhiều danh nhân, như Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng ở xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm); mộ cụ Võ Trường Toản, nổi tiếng là nhà giáo uyên bác, người thầy của nhiều bậc thức giả nổi tiếng xưa; và cụ Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ đầu tiên Nam kỳ ở xã Bảo Thạnh, Ba Tri. Còn có cụ Phan Văn Trị với nhiều bài thơ để đời, như 10 bài thơ hoạ lại Tôn Thọ Tường,… phê phán gay gắt bọn vua quan phong kiến hèn nhát, tham lam. Bến Tre có Trương Vĩnh Ký, ở xã Vĩnh Thành, Chợ Lách, là một trong 18 nhà bác học nổi tiếng trên thế giới đương thời. Bến Tre còn có đền thờ Nguyễn Thị Định, nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, là người tiếp nhận Nghị quyết XV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và về lãnh đạo cuộc Đồng Khởi thành công.
Đình làng ở Bến Tre cũng là nơi để du khách đến tham quan. Hiện toàn tỉnh có 207 ngôi đình, nhưng nổi bật hơn cả là đình Bình Hòa (huyện Giồng Trôm), đình Phú Lễ (huyện Ba Tri). Đây không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là chứng tích tố cáo Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam theo Luật 10/59. Đình Phú Tự (Thị xã) với cây bạch mai cổ thụ độc nhất vô nhị, trên 300 năm tuổi vẫn còn xanh tốt. Bến Tre còn có ngôi nhà cổ ở xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú) có niên đại trên 100 năm, xây cất theo kiểu hình chữ nhất, trang trí bằng hoa văn chạm trổ khéo léo bởi những bàn tay nghệ nhân điêu luyện. Có đến đây mới thấy hết giá trị nghệ thuật và văn hóa của ông cha ta để lại.
Lễ hội ở Bến Tre có nhiều nét độc đáo. Hội Tôn Cổ Tự ở Quới Sơn (huyện Châu Thành), là một trong những chùa xưa nhất ở Nam bộ được xây dựng từ thời Cảnh Hưng (1740). Ở đây còn lưu giữ những nét tôn nghiêm xưa của nhà chùa. Lễ hội dân gian đặc trưng lâu đời nhất ở Bến Tre là cúng đình. Nếu như hàng năm, vào ngày lễ cúng Kỳ Yên đậm đà bản sắc văn hóa của người dân địa phương vùng lúa nước với nội dung cầu mong mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, thì ở vùng ven biển có lễ hội Nghinh Ông của ngư dân, với 12 lăng, lớn nhất vẫn là lễ cúng Ông ở Bình Thắng (huyện Bình Đại) vào những ngày 15, 16 tháng 6 âm lịch, thu hút hàng ngàn người đến xem. Bến Tre còn có lễ hội truyền thống văn hóa được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày sinh của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (ngày 01/07) tại xã An Đức, huyện Ba Tri, với nhiều loại hình sinh hoạt phong phú, đa dạng. Lễ truyền thống cách mạng ngày 17/01 tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, làm sống lại những ngày hào hùng của người dân vùng sông nước quật khởi năm 1960. Bến Tre còn có Ngày Hội trái cây ngon mùng 5 tháng 5 âm lịch, Lễ hội Dừa vào tháng 1 hàng năm.
Cồn và biển ở Bến Tre có sức quyến rũ lạ kỳ. Cồn có cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Tàu, có vùng sinh thái 8 xã của huyện Châu Thành, cây trái xanh tươi quanh năm. Biển Bình Đại có Thừa Đức, Thới Thuận; Ba Tri có Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Thủy; Thạnh Phú có Thạnh Phong, Thạnh Hải. Huyện Ba Tri còn có vùng sinh thái Vàm Hồ với hàng vạn cá thể chim, cò và nhiều loại thú hang dã tụ tập sinh sống tự nhiên. Huyện Chợ Lách có làng hoa kiểng Vĩnh Thành.
Những làn điệu dân ca ở Bến Tre mang đậm sắc thái vùng sông nước miền tây, có đủ các làn điệu hát ru, hò, vè, lý, hát sắc bùa, cải lương, hát bộ,…. Nếu biết khai thác tốt, Bến Tre sẽ phát huy được thế mạnh này, làm cho khách thập phương sảng khoái trong một chuyến du ngoạn sông nước, mở rộng thêm tầm hiểu biết về đất và con người nơi đây.
Bến Tre hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với 39 điểm du lịch, 37 cơ sở lưu trú du lịch với 614 phòng nghỉ, trong đó có một khách sạn 3 sao (khách sạn Hàm Luông). Sắp tới, có khách sạn Việt – Úc, khách sạn Vinashin, khách sạn – nhà hàng nổi – tất cả đều sang trọng và hiện đại. Bến Tre đang khai thác và có kế hoạch nâng cấp khu du lịch Thới Thuận, Cồn Hố, An Phú, mỗi khu du lịch rộng trên 200 ha, cùng với các điểm du lịch Phú Bình, Lan Vương, Cồn Phụng, Cồn Qui, Thừa Đức, Vàm Hồ,…
Tạo thế để bức phá tiến lên
Điều rất mừng là gần đây, Bến Tre đã có quy hoạch du lịch và đã công bố rộng rãi trong các ngành, các cấp và trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Bến Tre là điều kiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường chẳng hạn. Có cầu Rạch Miễu là một điều kiện thuận lợi để khách du lịch về Bến Tre nhiều hơn. Một thực trạng hiện nay là đường về những nơi có điểm du lịch như biển Thừa Đức, Thới thuận, Cồn Hố, Thạnh Phong chưa được đầu tư đúng mức. Nước ngọt và nước sạch phục vụ du khách ở những vùng nước mặn và nhiễm mặn còn theo mùa, kể cả viễn thông vẫn là điều đang lo ngại,…
Con người cũng là yếu tố rất quan trọng đối với du lịch Bến Tre. Theo thống kê, ngành du lịch của tỉnh năm 2000 có 1.135 lao động, trong đó qua đào tạo là 312 người, đến năm 2008 có 3.574 người, qua đào tạo là 1.429 người. Tuy có tăng số lượng lao động và cũng tăng lượng người qua đào tạo, nhưng xét theo thực tế thì như thế vẫn còn thiếu rất nhiều.
Trước hết phải nói là hướng dẫn viên. Không ít ý kiến của du khách nhận xét rằng “phổ biến vẫn còn giới hạn là người dẫn đường, chưa đủ khả năng, thậm chí chưa biết, để tranh thủ giới thiệu văn hóa, lịch sử địa phương (điều mà nhiều du khách cần), còn về thuyết minh thì gần như là trả bài cho du khách, từ đầu đến cuối, bất kể khách đang cần gì”. Một câu hỏi được đặt ra: “Tại sao chỉ giới hạn ở những gì chúng ta có, mà không vươn tới đáp ứng những gì khách đang cần?”. Nếu so với một số điểm du lịch “ăn nên, làm ra” trong cả nước, có lẽ lời nhận xét trên là thật lòng với Bến Tre. Sự thua kém của du lịch Bến Tre so các nơi khác trước hết là ở chỗ này.
Trình độ ngoại ngữ cũng có vấn đề. Rất ít điểm du lịch ở Bến Tre có cán bộ tại chỗ nói được tiếng nước ngoài. Nếu có chăng cũng giới hạn ở trình độ phổ thông, nên thường bị động khi sử dụng từ ngữ chuyên ngành. Người sống chung quanh di tích cũng không phải là ngoại cuộc, chưa kể chuyện buôn bán, sinh hoạt hàng ngày quá lôi thôi, lượm thượm. Và còn nhiều lắm những điều đang “vướng” ở các khu di tích trong tỉnh.
Nếu nói làm du lịch, thì Bến Tre chưa làm sâu cho lắm. Cầu, đường, điện, viễn thông chưa được đầu tư đúng mức có thể chấp nhận được vì kinh phí có hạn. Nhưng không ít người đã dở khóc dở cười khi đến Khu lưu niệm Đồng Khởi thấy trong tủ có để mấy chiếc nón ghi rõ dòng chữa “Khu lưu niệm Đồng Khởi” trên nón, khách hỏi mua không bán, xin để làm kỷ niệm cũng không. Đến Đền thờ Nguyễn Đình Chiểu, có sách trưng bày trong tủ, khách hỏi mua cũng không có để bán. Nói chung, những khu di tích cách mạng, di tích lịch sử, di tích văn hóa ở Bến Tre chưa có nơi nào có sách để bán nhằm giới thiệu rộng ra cho du khách thập phương. Hỏi ngành chuyên môn thì trả lời là “không có kinh phí, bán chậm khó thu hồi vốn, nên không ai tham gia đầu tư”…
Mặc dù khách đến ngày một nhiều hơn, tiền thu về cũng cao hơn, nhưng không vì vậy đã gọi là hiệu quả. Tất nhiên, làm việc gì cũng phải có “thực dụng” một tí, nhưng thử cộng lại xem, công sức và tiền của đã bỏ vào du lịch bao nhiêu, ngoài số tiền thu về, thì làm cho bao nhiêu người hiểu về Bến Tre và hiểu được cái gì? Lãng phí ở đây không chỉ là tiền là bạc, mà cái đáng lo nhất là sự mai một trong nhận thức của con người về một sự kiện nào đó, cứ trôi đi theo năm tháng mà chưa có cách nào giữ lại được thì, chắc chắn ai cũng đoán được là sẽ rơi vào quên lãng.
Làm du lịch thấy vậy mà không dễ. Làm du lịch không chỉ có một nhóm người hoặc “ưu tiên” cho một ngành nào đó. Đầu tư vào du lịch không chỉ có tiền, mà còn đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, năng khiếu, và cả niềm đam mê. Lúc ấy, tiềm năng mới có cơ may được khơi dậy đúng mức, được khai thác đúng tầm. Bất cứ thái độ “ăn xổi, ở thì”, chỉ coi trọng kết quả trước mắt thì hậu quả để lại sẽ là khôn lường.