ThienNhien.Net – Một loạt giải pháp, nhiệm vụ vừa lâu dài, vừa cấp bách, bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội đang được Chính phủ hoạch định nhằm duy nhất một mục tiêu: ứng phó hiệu quả với những tác động của hiện tượng biến đối khí hậu (BĐKH) toàn cầu. Chiều 27/04, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ, ngành thảo luận về Đề án xây dựng kế hoạch phòng, tránh khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do BĐKH.
Việt Nam nằm trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74oC trong 100 năm qua (1906-2005) trong đó 50 năm gần đây tăng gấp đôi so với 50 năm trước. Hiện tượng này làm mực nước biển dâng trung bình mỗi năm 1,8mm trong thời kỳ 1961-2003, tăng nhanh hơn tới 3,1mm trong các năm 1993-2003. Dự kiến cuối thế kỷ 21, theo các kịch bản khác nhau, mực nước biển có thể tăng lên 50cm, 70cm, 100cm hoặc cao hơn.
Theo đánh giá của IPCC, với bờ biển dài và hai vùng đồng bằng châu thổ có cao độ thấp,Việt Nam nằm trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của quá trình BĐKH toàn cầu nói trên. Tính toán ban đầu của các cơ quan chức năng của Việt Nam (VN) cho thấy, theo kịch bản nước biển dâng 1m, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là nơi có diện tích bị ngập lớn nhất: Tỉnh Bến Tre ngập một nửa với khoảng 1.131km2, tương tự là Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng và cả TP.HCM. Các tỉnh khác trong khu vực, nước biển cũng sẽ làm mất đi 1/4 đến 1/3 diện tích.
Khu vực Đồng bằng Sông Hồng trong trường hợp nước biển dâng 1m kết hợp mưa lớn có thể sẽ ngập 650.000ha, mực nước trong các con sông sẽ dâng cao so với bình thường khoảng 0,5-1,0m và hầu hết vượt quá báo động 3 mực nước dâng xấp xỉ cao trình đỉnh đê, mặn sẽ xâm nhập sâu vào trong nội địa. Vùng duyên hải Miền Trung mùa kiệt mặn 4% sẽ xâm nhập sâu vào cửa sông từ 30-40km, nhiều vùng sẽ thiếu nước tưới do hạ du bị xâm nhập mặn khoảng 24-28%.
Xây dựng hoàn thiện đề án
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ, ngành thống nhất, trước tình hình ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng rõ rệt, thì Đề án xây dựng kế hoạch phòng, tránh khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ là một chương trình trọng điểm.
Đề án phải tiến hành một cách chủ động, và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội, đảm bảo phù hợp với ngành và liên ngành, vùng và liên vùng; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước. Đề án phải được tiến hành toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực liên quan, trong đó có trọng tâm, trọng điểm.
Các ý kiến cũng tập trung đóng góp vào mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực và các vùng nhạy cảm. Chẳng hạn, đối với nông nghiệp, dảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, trong đó duy trì ổn định một diện tích tối thiểu đất trồng lúa; quy hoạch, xây dựng nền nông nghiệp có cơ cấu mùa vụ thích ứng với BĐKH, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng được quy hoạch. Tăng tỷ lệ đất có rừng che phủ từ 37% của năm 2005 lên 42-43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020. Giảm thiệt hại cho ngư dân và diêm dân khoảng 7 triệu người vùng ven biển; bảo vệ hạ tầng cơ sở và phương tiện trang thiết bị trong hoạt động sản xuất góp phần hoàn thành kế hoạch hàng năm của ngành. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho phát triển dân sinh và các ngành kinh tế.
Theo kế hoạch thời gian tới, Đề án xây dựng kế hoạch phòng, tránh khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.