ThienNhien.Net – Các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu là sự khan hiếm nước, đặc biệt trên toàn bộ lục địa đen. Một số quốc gia như Nam Phi sẽ phải tái sử dụng lại nước thải và nước ô nhiễm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Phóng viên của Trung tâm Dịch vụ Báo chí Quốc tế (IPS) đã có cuộc phỏng vấn với Victor Munnik, chuyên gia về nghiên cứu chính sách của Mvula Trust, tổ chức phi chính phủ chuyên phát triển các dự án nước sạch ở Nam Phi.
– Thưa ông, điều gì đang đe dọa an ninh nguồn nước ở Nam Phi, cả về lượng và chất?
Victor Munnik: Ở Nam Phi, 98% nguồn cung cấp nước đều đã được sử dụng, nghĩa là về cơ bản chúng tôi không còn nguồn nước nào chưa khai thác. Bất kỳ nhu cầu mới nào cũng phải được tính toán sử dụng hiệu quả từ dòng nước có thể luân chuyển. Đó là lý do tại sao chất lượng nước và lượng nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các dòng chảy luân chuyển trở lại cần có chất lượng đủ tốt để có thể tái sử dụng.
An ninh nguồn nước là một vấn đề quan trọng, đặc biệt là khi nước được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và khai mỏ, vốn gây ra ô nhiễm khó xử lý. Theo Uỷ ban Nghiên cứu về nước thì 2/3 hệ thống cống ở Nam Phi đều đang có sự cố.
Cần nhấn mạnh rằng việc không còn nguồn nước chưa sử dụng đã trở thành vấn đề cấp bách đối với chúng tôi. Do vậy, việc sử dụng nước không hiệu quả, nước thải và sự tổn hại đến chất lượng nước là những đe dọa rất lớn.
– Các chuyên gia môi trường cảnh báo về một nguy cơ khủng hoảng nguồn nước ở Nam Phi. Điều gì dẫn đến tình trạng này và chúng ta nên làm gì để ngăn cản nó?
Victor Munnik: Có rất nhiều nguy cơ, nhưng một trong những mối nguy lớn nhất là ô nhiễm nước do khai mỏ – sự rò rỉ acid từ các mỏ quặng làm giảm nồng độ pH trong nước và mang theo nguy cơ đe dọa sức khỏe con người và động vật.
Chúng tôi cần tăng cường hệ thống quản lý chất lượng nước. Nam Phi đã có một chính sách về nước khá tốt, nhưng thách thức là thực hiện nó. Ví dụ, chúng tôi cần thêm thanh tra chất lượng nước và đưa cộng đồng vào tham gia vào việc quản lý chất lượng nước. Trên hết, chúng tôi cần một nỗ lực và quyết tâm.
– Nước nên được xem như một hàng hóa thương mại hay hơn thế, như một hàng hóa xã hội?
Victor Munnik: Nước nên được xem như một hàng hóa công cộng, cho dù dịch vụ nước có thể là thương mại. Cũng như không khí, luật quy định rằng nước không thể bị sở hữu. Nước được sử dụng chung. Bạn sử dụng nó rồi trả lại, cứ thế nó tuần hoàn trong một chu trình.
Tiếp cận sử dụng nước là là quyền cơ bản của con người, mặc dù cũng cần thiết phải nhấn mạnh rằng sự thương mại hóa nước đang làm cho điều đó trở nên khó đảm bảo.
– Thương mại hóa nước, dù thông qua tư hữu hóa hay tập thể, liên quan đến quyền con người về nước như thế nào?
Victor Munnik: Sự thương mại hóa nước không nên được sử dụng như một sự biện hộ về cách giảm lượng nước sử dụng của người dân. Dù nước được tư hữu hóa hay tập thể hóa, chính quyền thành phố, trong vai trò của nhà chức trách chịu trách nhiệm về dịch vụ nước, buộc phải đạt được những mục tiêu xã hội và phải kiểm soát chúng.
Thương mại hóa nước không vô hiệu hóa các chính sách về nước mà chúng tôi có. Song, chúng tôi phải thận trọng vì những người muốn thương mại hóa nước thường đưa ra những lời hứa suông như nâng cấp cơ sở hạ tầng hay cung cấp nước cho người nghèo.
– Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã cảnh báo rằng Nam Phi sẽ trở thành một trong hai khu vực khô hạn nhất trên trái đất bởi sự thay đổi khí hậu. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tiếp cận sử dụng nước và cải thiện điều kiện vệ sinh của người dân?
Victor Munnik: Tôi không thấy bị thuyết phục bởi dự đoán của WWF cho dù mũi đất phía Tây và Nam có vẻ đang trở nên khô hạn do biến đổi khí hậu. Ngoại trừ thực tế rằng sự biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ xảy ra, tôi tin rằng rất khó để dự đoán cho một vùng địa lý cụ thể nào đó.
Điều sẽ xảy ra ở Nam Phi là các trận mưa sẽ trở nên khó dự đoán hơn về lượng và địa điểm. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực lên nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Nếu mưa thay đổi, các khu vực hứng và trữ nước nước, như những con đập, có thể sẽ trở nên sai vị trí. Thêm vào đó nhiệt độ cao hơn do biến đổi khí hậu sẽ tăng lượng bốc hơi nước bề mặt.
– Một vài chuyên gia dự đoán rằng một cuộc khủng hoảng về nước sẽ gây bất ổn định xã hội và ngăn cản sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông có nghĩ như vậy không?
Victor Munnik: Tôi không nghĩ như vậy. Chúng ta đang ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng về nước, vì thế chúng ta cần quản lý nguồn nước theo cách khác. Sự khan hiếm nước là một thử thách song cũng là một cơ hội.
Bộ trưởng tiền nhiệm Bộ Lâm nghiệp và Nước Nam Phi, Kader Asmal, có lần đã nói sự cần thiết phải quản lý nước có thể dẫn đến nền dân chủ, và tôi đồng ý. Con người có thể đặt các vấn đề lên bàn và tìm cách giải quyết.
Chúng tôi sẽ phải điều chỉnh sự phát triển kinh tế theo nguồn nước chúng tôi có và sử dụng nước một cách hiệu quả. Nếu không, một cuộc khủng hoảng là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi không thể phát triển kinh tế mà không suy nghĩ về vấn đề nước. Trên thực tế, mọi tác động lên nguồn nước cần được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển kinh tế ngay từ đầu.