Madagascar: Nội chiến đe dọa hủy hoại thiên nhiên

ThienNhien.Net – Madagascar là một trong 25 “điểm nóng đa dạng sinh học của thế giới”. Song, điểm nóng này đang có nguy cơ bị đe dọa do những khó khăn trong việc bảo vệ môi trường trước tình trạng rối loạn chính trị và chống đối kéo dài đang đẩy đất nước này tới gần bờ vực của một cuộc nội chiến.

Tình trạng rối loạn bắt nguồn từ cuộc bạo động lật đổ chính quyền của tổng thống Ravalomanana hồi tháng 3 vừa qua. Trong suốt thời kì xã hội hỗn loạn, một số kẻ đã lợi dụng tình thế để tăng cường đốn gỗ bất hợp pháp trong các khu rừng được bảo vệ.

Doanh thu ngành du lịch bị giảm sút nghiêm trọng từ khi có bạo động trong khi đó là nguồn thu để chi trả lương cho nhân viên các khu bảo tồn và cộng đồng địa phương vốn đã rất nghèo khổ. Năm ngoái, doanh thu từ du lịch đạt khoảng gần 400 triệu USD, bao gồm cả những tour du lịch sinh thái. Biến động chính trị đã làm sụt giảm 110 triệu USD doanh thu.

Hồi gần cuối tháng 3, Khu Bảo tồn Quốc gia Marojejy đã phải đóng cửa do những hành động khai thác bất hợp pháp. Mục Tin tức trên website của Khu Bảo tồn này đã đưa tin: “Các băng đảng có vũ trang (do những kẻ đầu cơ nước ngoài thông đồng với các băng đảng giàu có ở địa phương cầm đầu) đang bóc lột những cánh rừng mưa nhiệt đới của Marojejy để khai thác loại gỗ hồng sắc cực kỳ quý hiếm.”

Khu Bảo tồn Marojejy nằm ở vùng Đông Bắc hòn đảo và là ngôi nhà của một trong những động vật có vú nguy cấp nhất – loài bán hầu Silky (Propithecus candidus) – một trong những loài vượn cáo đặc hữu của Madagascar. Số lượng loài vượn cáo này ở đây ước tính từ 100 đến 1000 cá thể, và chúng không thể sống sót trong tình trạng bị giam cầm.

Tình trạng của Khu bảo tồn có mối liên quan chặt chẽ tới sự sống còn của loài vượn cáo dễ bị tổn thương này. Việc đốn gỗ bất hợp pháp có thể xâm phạm đến môi trường sống của loài này và gây ra những căng thẳng có thể đẩy nhanh hơn nữa sự suy giảm số lượng của loài này.

Loài vượn cáo giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong việc duy trì bền vững các cánh rừng mưa nhiệt đới. Chúng ăn hoa quả và các loại hạt rồi phát tán những hạt này ở nhiều nơi, nhờ đó mà cây cối được nhân rộng khắp các rừng nhiệt đới. Đây có lẽ là loài giúp phân tán hạt hàng đầu ở Madagascar.

Quốc gia này là ốc đảo lớn thứ tư trên thế giới, và là ngôi nhà của khoảng 5% các loài động thực vật trên trái đất. Thoạt nghe người ta có thể không để ý vì cho rằng đó chỉ là một con số nhỏ nhưng sự thật thì ngược lại. Madagascar là cả một hệ sinh thái khổng lồ.