ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cảnh báo nếu sự nóng lên toàn cầu không được kiểm soát, Đông Nam Á – một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới bởi biến đổi khí hậu- sẽ phải đối mặt với một thảm cảnh tồi tệ hơn trong tương lai.
Cảnh báo này nhấn mạnh nếu kịch bản xấu xảy ra, Inđônêsia, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam sẽ thiệt hại hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm vào cuối thế kỷ 21. Sản lượng gạo sẽ tụt giảm một cách thê thảm, đe doạ đến an ninh lương thực. Mực nước biển tăng lên dẫn tới sự di cư của hàng triệu người đang sống ở các vùng ven biển và hải đảo. Sốt rét, sốt xuất huyết và nhiều dịch bệnh khác sẽ lan rộng hơn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu các hành động chống lại biến đổi khí hậu sớm được triển khai thì lợi ích mang về cho khu vực sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra., đồng thời, khuyến cáo các nước Đông Nam Á nên đối phó với cuộc khủng hoảng kép về thay đổi khí hậu và khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng việc áp dụng các chương trình kích thích xanh- một phần của các gói kích thích kinh tế.
Bà Ursula Schaefer-Preuss, phó chủ tịch Kiến thức quản lý và phát triển bền vững cho biết: “Biến đổi khí hậu đang thực sự đe doạ nghiêm trọng tới các hộ dân ở Đông Nam Á, tới nguồn cung cấp thực phẩm và tài chính của khu vực này. Tuy nhiên, trong tình cảnh cả thế giới đang lặn ngụp trong cuộc khủng hoảng tài chính, vấn đề này có nguy cơ bị đẩy xuống phía dưới của danh sách các chương trình nghị sự. Thậm chí điều tồi tệ nhất vẫn còn chưa xảy ra.
Giải pháp
Có hàng loạt các phương pháp tối ưu về chi phí có thể giúp các nước Đông Nam Á tránh khỏi hậu quả tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu tồi tệ nhất, như việc nâng cấp quản lý nguồn nước, nâng cao hệ thống tưới tiêu, luân vụ hoa màu, bảo vệ rừng và xây dựng các bức tường chắn sóng.
Nghiên cứu cũng đưa ra các giải pháp lựa chọn ngăn chặn BĐKH mang tính đôi bên cùng có lợi trong ngành năng lượng, cho phép các nước Đông Nam Á giảm thiểu được khí thải cacbon đến 40% vào năm 2020.
Ngành lâm nghiệp được đánh giá góp phần lớn nhất vào việc thải khí nhà kính ở Đông Nam Á, và cũng có tiềm năng lớn nhất trong việc giảm thiểu khí thải trong khu vực bằng cách giảm chặt phá rừng, trồng thêm rừng và nâng cấp quản lý rừng.
Báo cáo nhận định Đông Nam Á cũng là khu vực có tiềm năng để cô lập lượng cacbon trong ngành nông nghiệp theo đúng nghĩa nhất so với bất cứ khu vực nào khác trên thế giới.
Cả 4 quốc gia trên đều đã và đang áp dụng các biện pháp đối phó rộng rãi với những tác động của thay đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước này cần nỗ lực hơn nữa để tiếp cận được những nơi cung cấp vốn, công nghệ và các hỗ trợ khác trong việc chống lại các hiểm hoạ khí hậu.
Việc hợp tác chặt chẽ cấp khu vực, chẳng hạn như trong công tác quản lý lưu vực, hệ sinh thái biển chung, dịch bệnh…được đánh giá là rất quan trọng, sẽ giúp xử lý hiệu quả hơn các hiểm hoạ khí hậu.
Song, vì các tác động tiêu cực của thay đổi khí hậu sẽ còn làm cho tình hình trở nên xấu hơn, nghiên cứu cho rằng chỉ có hành động toàn cầu nhằm giảm khí thải nhà kính mới có thể giải quyết triệt để tận gốc những nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu hiện giờ.