ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Tràm Chim, thuộc địa phận huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười thu nhỏ rộng hơn 7.313 ha, có 231 loài chim thuộc 49 họ, 14 bộ. Hiện nay, nhiều loài chim có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu như: Ô Tác, Điêng điểng, Già đẫy, Giang sen và Rồng rộc lại đang về sinh sống ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim – nơi được công nhận là một vùng chim quan trọng của Việt Nam.
Vườn quốc gia Tràm Chim có 16 loài chim quí hiếm sinh sống và được bảo vệ như: Sếu đầu đỏ, Già đẫy lớn, Già đẫy Java, Cò quắm đầu đen, Cò thìa, Đại bàng đen, Te vàng, Choi choi lưng đen, Ngang cánh trắng, Điêng điểng, Cò trắng Trung Quốc, Diệc Sumatra, Bồ nông chân xám, Giang sen, Nhạn ốc và Công đất.
Ngoài Sếu đầu đỏ, các loài chim Ô Tác, Điêng điểng, Già đẫy, Giang sen và Rồng rộc bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu nhưng ở Vườn quốc gia Tràm Chim đang có loại chim này về sinh sống và được bảo vệ . Một số loài chim mới xuất hiện đáng chú ý như : Le khoang cổ, Nhát hoa và Gà lôi nước hiện có trong vườn.
Các loài chim quí hiếm có 42% loài sử dụng đầm lầy nước ngọt, 10% sử dụng đồng cỏ, còn lại sử dụng rừng ngập nước, các con kênh, cây, bụi rậm và sử dụng tổng hợp.
Tại Vườn Quốc Gia này, quần thể chim nước phần lớn di cư, trú đông trong suốt mùa đông. Đặc biệt là quần thể của loài Sếu cổ trụi thường xuyên di trú đến kiếm ăn trong vườn vào mùa khô. Cuối tháng 04/2009 đã có trên 80 con về Vườn quốc gia Tràm Chim.
Các loài chim tại VQGTC đang thích nghi với sinh cảnh ở đây, đặc biệt với sinh cảnh cây lúa ma ( kể cả Sếu đầu đỏ), do cây lúa ma đa dạng sinh học rất cao và rất nhạy cảm với các loài chim. Mỗi loài chim quí đều có hàng trăm con, số lượng nhiều nhất vẫn là cò.
Do tính chất quan trọng của môi sinh, môi trường của vùng đất ngập nước, bởi vậy, Vườn Quốc Gia Tràm Chim đang bảo vệ tốt các loài chim quí hiếm để duy trì và tái tạo bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Đồng Tháp Mười.