ThienNhien.Net – Hồi cuối tháng 1 vừa qua, những hòn đảo Fidschi ở Nam Thái Bình Dương đã lâm vào cảnh lụt lội tệ hại nhất từ trước đến nay. Mực nước biển tăng cộng thêm nước thủy triều dâng và những đợt áp thấp nhiệt đới đã gây ra ngập lụt hầu hết tại những vùng ven biển, khiến cho hàng nghìn người phải sơ tán và đã có 11 người thiệt mạng. Các du khách cũng được khuyên không nên rời khỏi khách sạn.
Nhưng không chỉ những hòn đảo Fidschi (từng nổi tiếng là thiên đường hạ giới trong ngành du lịch) mà còn có rất nhiều hòn đảo tại Thái Bình Dương cũng đang bị ngập nặng. Ngay từ tháng 12 năm ngoái, các hòn đảo như Micronesia, Salomon, Marshall và Papua New Guinea cũng bị chìm ngập trong nước biển lẫn nước mưa.
Theo quan điểm của các chuyên gia về khí hậu, thì sự ngập lụt này là hệ quả tất yếu của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Sẽ còn nhiều vùng rộng lớn phải sơ tán, và con số những người di tản hiện nay chỉ khoảng chừng 30 triệu sẽ tăng tới 150 triệu vào năm 2050.
Một ví dụ điển hình của vùng phải di tản là những hòn đảo ở Polynesie như Tuvalu sẽ hoàn toàn bị chìm trong nước biển trong vòng một thập kỷ nữa. Chính vì vậy mà người dân bản xứ bắt buộc phải di tản đi nơi khác. Nhưng di tản đi đâu? Quốc gia nào nhận họ? Và ai sẽ bồi thường những mất mát khi họ phải bỏ lại cơ nghiệp mà đi.
Phía bên kia trái đất, cũng có những nạn nhân của hiện tượng nóng ấm toàn cầu, chẳng hạn như các bộ lạc Inuits Eskimos đang mất dần không gian sống quen thuộc, bởi vì những tảng băng ngày càng tan chảy nhanh hơn. Cả những người dân Eskimos này cũng đang phải dự tính kế hoạch di tản tương lai.
Mực nước biển trong 100 năm tới
Một số công trình nghiên cứu mới cho thấy mực nước biển trong 100 năm tới sẽ cao hơn mực nước biển hiện tại tới 1m, gấp 3 lần dự đoán của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC).
Kết quả nghiên cứu mới từ một nhóm các nhà nghiên cứu Anh và Phần Lan cộng tác với viện Niels Bohr thuộc Trường Đại học Copenhagen của Đan Mạch, đã được công bố trên tạp chí khoa học Climate Dynamics.
Theo IPCC, khí hậu toàn cầu trong thế kỷ tới sẽ ấm hơn hiện nay từ 2 – 4 độ C, nhưng nước biển sẽ ấm lên chậm hơn nhiều so với không khí, và những tảng băng ở Greenland và Nam cực cũng tan chảy chậm hơn.
Sự không chắc chắn trong tính toán về mức tăng của mực nước biển trong tương lai phụ thuộc vào tốc độ tan băng ở đất liền rồi chảy ra biển. Mô hình dự đoán sự tan băng, làm nền tảng cơ bản cho dự đoán của IPCC về mực nước biển, không cho thấy hết những thay đổi nhanh chóng được quan sát thấy trong những năm gần đây. Công trình nghiên cứu mới do đó đã sử dụng phương pháp khác.
Mối liên hệ trực tiếp
Tiến sĩ Aslak Grinsted, nhà địa vật lý thuộc Trung tâm Băng và khí hậu tại viện Niels Bohr, giải thích: “Thay vì tính toán dựa trên mô hình về sự tan băng, chúng tôi tính toán dựa trên những gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ. Chúng tôi nhìn trực tiếp vào mối liên hệ giữa nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển trong 2000 năm qua”.
Dựa vào sự phát triển vân gỗ hàng năm và những phân tích từ mẫu khoan nhân băng, các nhà nghiên cứu đã có thể tính toán nhiệt độ của khí hậu toàn cầu từ 2.000 năm trước.
Trong khoảng 300 năm, mực nước biển đã được quan sát chặt chẽ ở một số địa điểm trên khắp thế giới, và ngoài ra còn có kiến thức lịch sử về mực nước biển trong quá khứ ở những địa điểm khác nhau trên thế giới.
Bằng cách kết hợp hai luồng thông tin này lại với nhau, tiến sĩ Aslak Grinsted có thể nhận biết mối liên hệ giữa nhiệt độ và mực nước biển. Chẳng hạn, trong thời Trung cổ khoảng thế kỷ 12, có một giai đoạn ấm trong đó mực nước biển cao hơn 20cm so với ngày nay, và thế kỷ 10 với “kỷ băng hà nhỏ” khi mực nước biển cao hơn ngày nay chừng 25cm.
Mực nước biển trong tương lai
Khi nhận định rằng khí hậu trong thế kỷ tới sẽ cao hơn 3 độ C, mô hình dự đoán khí hậu mới chỉ ra rằng mực nước biển sẽ tăng từ 0,9 – 1,3m. Tốc độ tăng nhanh hơn nhiều cũng đồng nghĩa với việc sự tan băng xảy ra nhanh hơn so với những dự đoán trước đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhận thấy rằng băng sẽ phản ứng nhanh hơn đối với sự tăng nhiệt độ so với dự đoán từ vài năm trước. Và các công trình nghiên cứu về kỷ băng hà cho thấy băng có thể tan một cách nhanh chóng. Khi kỷ băng hà kết thúc từ 11.700 năm trước, băng tan rất nhanh khiến mực nước biển tăng lên 11mm một năm – tương đương với 1m trong 100 năm.
Trong tình hình khí hậu toàn cầu ấm lên hiện nay, Aslak Grinsted cho rằng mực nước biển sẽ dâng lên với tốc độ tương tự.