ThienNhien.Net – Ngày 15/04/2009, tại thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Công nghệ Sinh học thành phố đã tổ chức hội thảo “Tiềm năng kinh tế và quy định an toàn sinh học cho cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam”, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế…
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày các quy định pháp lý liên quan tới an toàn sinh học ở Việt Nam; các báo cáo chuyên đề: “Phát triển sinh học thực vật trên thế giới và ở Việt Nam”, “Tiềm năng kinh tế của ngô kháng sâu Bt đối với các vùng khác nhau của Việt Nam”, “Chương trình CNSH nông nghiệp và quy định về kiểm soát an toàn sinh học ở Việt Nam”, “Cây trồng chuyển gen, tiềm năng và giới hạn”…
Từ nay đến năm 2015, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng,nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R-D), triển khai sản xuất thử sản phẩm (P) trong lãnh vực cây trồng nông- lâm nghiệp, vật nuôi và vi sinh vật, phát triển công nghiệp vi nhân giống trên phạm vi toàn quốc; sản xuất các chế phẩm bảo vệ thực vật, vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, cải thiện độ phì đất trồng; nghiên cứu cơ bản công nghệ gen và công nghệ tế bào; nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, tế bào trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật mới, bảo tồn khai thác ứng dụng nguồn gen bản địa…
Tổng vốn ngân sách Nhà nước để triển khai thực hiện Chương trình CNSH nông nghiệp trong 10 năm (2006- 2015) dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng, chi cho việc thực hiện các công trình nghiên cứu, sản xuất thử sản phẩm, hỗ trợ các dự án sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực ở quy mô công nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế…
Mục tiêu Chương trình CNSH nông nghiệp từ nay đến 2015, tầm nhìn 2020 là Việt Nam sẽ tạo ra, tiếp nhận và làm chủ được một số CNSH hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành nông nghiệp trong nước, tăng cường một bước cơ bản trong việc xây dựng tiềm lực cho CNSH nông nghiệp thông qua đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, có trình độ cao cho một số lãnh vực chủ yếu, phát triển mạnh CNSH hiện đại, tập trung vào công nghệ gen; tiếp cận các khoa học mới, đưa CNSH nông nghiệp Việt Nam đạt trình độ khá trong khu vực; đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; ứng dụng thành công nhân bản vô tính ở động vật; phát triển mạnh ngành công nghiệp SH nông nghiệp và tạo lập thị trường cho công nghiệp SH nông nghiệp. CNSH nông nghiệp đóng góp 20 – 30% trong tổng số đóng góp của khoa học- công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp…