ThienNhien.Net – Theo Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), toàn vùng hiện có 2.942 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), tăng gấp 6,1 lần năm 2007. Cộng với số máy cắt lúa xếp dãy (3.244), đến nay ĐBSCL có 6.341 máy phục vụ thu hoạch lúa, tăng 85% so năm 2007.
Bình quân, mỗi máy GĐLH có thể xử lý 3 ha lúa chín/ngày (tương đương 100 lao động), nông dân chỉ chi phí trung bình 1,4 triệu đồng/ha. Nếu thu hoạch thủ công phải tốn 1,8 – 2 triệu đồng/ ha. Với số máy GĐLH hiện có, mỗi ngày, ĐBSCL thu hoạch gần 9.000 ha. Lúa đông xuân thu hoạch rộ chỉ trong vòng một tháng, các máy GĐLH trong vùng thu hoạch được trên dưới 270.000ha. Mỗi máy cắt xếp dãy thu hoạch 1,5ha/ngày.
Đến nay, việc cơ giới hóa thu hoạch lúa đáp ứng khoảng 420.000 ha trong vụ đông xuân, tuy tăng gấp đôi năm 2007 nhưng chỉ đáp ứng được 26% diện tích lúa đông xuân niên vụ 2008 – 2009 tại ĐBSCL. Trong vụ lúa hè thu, thu đông hàng năm, do thu hoạch trong mùa mưa, mặt ruộng thường bị sình lầy, tầm hoạt đông của máy bị hạn chế nên diện tích thu hoạch lúa bằng máy đạt tỉ lệ thấp hơn vụ đông xuân nhiều. Giá máy GĐLH hiện còn cao so với thu nhập của nông dân( khoảng 150 – 200 triệu đồng/máy) nên ít người đầu tư mua dù biết sử dụng máy có lợi nhiều mặt.
Khắc phục tình trạng này, các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ đã cho cá nhân và tập thể vay hàng trăm tỉ đồng, hỗ trợ lãi suất với mức 0% đối với cá nhân nông dân mua máy; giảm 70% lãi suất đối với các tập thể mua máy. Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, số máy GĐLH tăng lên cao. Tuy nhiên, so với diện tích canh tác lúa hàng năm của ĐBSCL (gần 4 triệu ha) thì số máy trên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Theo Viện lúa ĐBSCL, đồng ruộng ĐBSCL cần 10.000 – 12.000 máy GĐLH, để đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa lên 30% – 40% vào năm 2010./.