Bao giờ doanh nghiệp tự giác chấp hành?

ThienNhien.Net – Đây không phải lần đầu tôi đi cùng đoàn công tác của Cục Cảnh sát Môi trường (C36) vào kiểm tra doanh nghiệp vi phạm. Vẫn những thủ tục quen thuộc: qua cổng, nhanh chóng phong toả khu vực xử lý nước thải, tiến hành thu mẫu nước ở các miệng cống xả, kiểm tra các loại giấy phép, làm việc với Ban Giám đốc, lập biên bản vi phạm, đại diện doanh nghiệp ký tên thừa nhận vi phạm…Cuối cùng, điều đọng lại trong tôi vẫn là câu hỏi: “Đến bao giờ mới hết cái vòng luẩn quẩn kiểm tra – vi phạm – nộp phạt – tái phạm – kiểm tra… ”. Bên quản lý phạt cứ phạt, còn doanh nghiệp có thực hiện hay không và thực hiện đến đâu lại là chuyện khác.

 Chúng tôi đến đến trụ sở công ty TNHH dệt nhuộm Trung Thư vào lúc 9h sáng ngày 20/04/2009. Các trinh sát C36 cho biết, họ đã tiến hành giám sát bí mật hoạt động xả thải của công ty Trung Thư trong suốt 1 tháng qua và thấy nước thải chảy xối xả 24/24 (làm thông 3 ca) qua 1 miệng cống đường kính 15cm, như vậy, lượng nước tiêu thụ 1 ngày phải lớn hơn rất nhiều con số 70m3/ngày, đêm mà công ty cung cấp.

  Công ty TNHH dệt nhuộm Trung Thư đóng tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1998. Loại hình sản xuất: dệt nhuộm; Số lượng CBCNV: khoảng 150 ; Nguyên liệu sản xuất là vải sợi, và các hóa chất như thuốc nhuộm, ôxy già, xà phòng.  Nước sử dụng cho sản xuất là nước ngầm, mức khai thác khoảng 70m3/ngày đêm Đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Quyết định 1640/QĐ-SKHCN&MT ngày 25/10/2000; Tại thời điểm kiểm tra, công ty đang hoạt động bình thường.

Ông Đỗ Bá Việt, PGĐ Công ty Trung Thư thừa nhận, đã sử dụng lượng nước cho sản xuất lớn hơn 70m3/ngày đêm; thừa nhận hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn; không thực hiện quan trắc định kỳ đúng tần suất theo các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; quản lý chất thải nguy hại không đúng qui định (giẻ lau, găng tay dính dầu, hoá chất để ngoài trời, xử lý bằng cách đốt); chưa có sổ đăng kí chủ nguồn thải chất thải nguy hại; chưa nộp phí bảo vệ môi trường năm 2006, 2007, 2008. Ông Đỗ Bá Việt, PGĐ, đại diện công ty Trung Thư hứa sẽ khắc phục những vi phạm nêu trên trong thời gian tới.

Công ty Trung Thư đã bị phòng PC36, Công an TP Hà Nội và Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội vào kiểm tra 02 lần vào năm 2008 và xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) 13.350.000 đồng theo Quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực BVMT số 156/QĐ-CTUB ngày 28/08/2008 về hành vi xả nước thải không có phép vào nguồn tiếp nhận (xả ra sông Tô Lịch). Công ty Trung Thư mặc dù đã nộp khoản tiền phạt VPHC hơn 13 triệu đồng trên và lần nào cũng hứa “khắc phục vi phạm” nhưng lần sau đoàn kiểm tra khác đến thì đâu lại hoàn đấy.

Điều tôi thấy “ấn tượng” nhất ở chuyến đi kiểm tra doanh nghiệp này là thái độ dửng dưng như “biết trước mọi chuyện phải thế” của ông đại diện Công ty Trung Thư. Dường như việc quen bị phạt, biết rõ mức phạt chỉ quanh con số hơn 13 triệu “nhẹ nhàng” khiến Ban Giám đốc Công ty TNHH Trung Thư thấy “thoải mái” và “tự tin” hơn trong việc tiếp các đoàn kiểm tra – “bây giờ và mai sau”. Hay nói cách khác, Trung Thư hay bất kỳ doanh nghiệp vi phạm nào khác đã “nhờn” với luật pháp Việt Nam, họ sẵn sàng nộp phạt để được duy trì sản xuất, tiếp tục xả thải không qua xử lý (hoặc xử lý không hết) ra môi trường, trốn tránh trách nhiệm trong nộp phí BVMT và làm giầu bằng cách “ăn” vào giá môi trường Việt Nam.

Hỏi các cán bộ C36 đi cùng đoàn kiểm tra, vì sao đã có Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sửa đổi 04/2008 (chính thức có hiệu lực từ 01/08/2008) và Nghị định số 128/2008/NĐ-CP qui định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh, trong đó khoản 7, điều 31 của Pháp lệnh qui định: “Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường có quyền phạt tiền đến mức tối đa (500 triệu đồng), tước quyền sử dụng giấy phép, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm”, tại sao chưa thấy có đơn vị nào thuộc lực lượng Cảnh sát Môi trường ra quyết định xử phạt VPHC mà vẫn áp dụng cách làm cũ: kiến nghị Sở Tài nguyên & Môi trường hoặc UBND TP, tỉnh, huyện ra quyết định xử phạt.


Ống nước xả thải của Công ty Trung Thư

Trung tá Võ Anh Tuấn, Đội trưởng Đội 2, Phòng 3, Cục C36 trả lời: “Theo Pháp lệnh xử phạt VPHC sửa đổi, Cảnh sát Môi trường tuy được quyền ra quyết định xử phạt VPHC nhưng không có quyền tạm giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC, khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm (điều 45, 46, 49), như vậy làm sao xác định được mức độ của hành vi vi phạm, trách nhiệm của người vi phạm mà ra quyết định xử phạt; chưa kể trong các vụ bắt giữ động vật hoang dã hoặc các chuyến hàng xuất nhập khẩu rác thải, Cảnh sát môi trường bắt buộc phải chuyển tang vật vi phạm cho kiểm lâm, hải quan, 02 cơ quan này phải điều tra, xem xét lại từ đầu nên rất mất thời gian và sự phối hợp không phải lúc nào cũng tốt”.

“Có lẽ phải đưa những công ty loại này vào diện điều tra truy tố mới giải quyết được vấn đề” – Trung tá Vân Anh, cán bộ C36 nói với tôi sau chuyến kiểm tra. Tôi hiểu anh muốn nói tới việc phải khởi tố hình sự những công ty loại này mới mong chấm dứt cái vòng luẩn quẩn phạt – nộp phạt – tái phạm, nhưng trước những khó khăn vô vàn mà lớn nhất là những bất cập của luật pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, câu hỏi trên chưa biết bao giờ mới có lời giải.