ThienNhien.Net – Mới đây, Lực lượng Cảnh sát Môi trường Hà Nội trong buổi làm việc với Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã phát hiện có một đường ống ngầm không nằm trong sơ đồ hệ thống xử lý nước thải. Các mẫu nước thải ra môi trường của Habeco sau khi phân tích đều vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Vi phạm nghiêm trọng Pháp luật bảo vệ môi trường
Ngày 25/11/2008, Trung tâm Quan trắc và Phân tích Tài nguyên Môi trường Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã có kết quả phân tích 2 mẫu nước thải của Habeco. Kết quả phân tích cho thấy, các hàm lượng đều vượt nhiều lần so với mức trong QCVN 5945:2005 (Tiêu chuẩn quy định giới hạn các thông số và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ… trước khi đổ vào các lưu vực nước – PV). Cụ thể, BOD5 vượt tiêu chuẩn cho phép khoảng 4,5 lần; COD vượt 5 lần; Coliform vượt 12 lần…
Cũng theo thông tin nhận được, các mẫu nước này do chính Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội yêu cầu xét nghiệm. Thời gian lấy mẫu được xác định là 9 giờ 35 phút ngày 16/10/2008.
Sau đó, vào ngày 04/12/2008, các chiến sĩ của đội 3 thuộc lực lượng Cảnh sát môi trường Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường Hà Nội, công an quận Ba Đình và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra việc xử lý nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của Habeco. Tại buổi kiểm tra này, lực lượng cảnh sát môi trường đã lấy 3 mẫu nước tại 2 cửa xả khác nhau của Habeco để phân tích.
Một tuần sau, kết quả phân tích khoa học cho thấy, các mẫu nước thải này đều vượt chỉ tiêu cho phép so với QCVN 5945-2005, gần giống với kết quả do Habeco đem đi phân tích trước đó. Như vậy, Tổng Công ty Habeco đã vi phạm nghiêm trọng Pháp luật bảo vệ Môi trường được quy định tại Điều 10, Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006.
Thời điểm lấy mẫu của lực lượng cảnh sát môi trường trùng khớp với ý kiến của người dân khi họ thường thấy nước thải từ nhà máy thường có mầu củ nâu và nặng mùi vào buổi tối. (Mẫu 1: lấy lúc 19h 40; Mẫu 2: lấy lúc 20h 20 và Mẫu 3: được lấy lúc 19h 55)
Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, sau khi đọc kết quả phân tích trên, nói rằng, nguồn nước ô nhiễm này khi đổ vào thủy vực sẽ lấy hết ôxy của nước khiến cho thủy sinh vật bị chết và thủy vực mất khả năng tự làm sạch. Ngoài ra, sự có mặt nhiều coliform cũng là dấu hiệu cho thấy còn khả năng xuất hiện nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác.
Đặc biệt, cũng trong buổi kiểm tra thực địa ngày 04/12/2008, lực lượng cảnh sát môi trường đã xác định hệ thống xử lý nước thải của Tổng Công ty Habeco có một đường ống ngầm không nằm trong sơ đồ hệ thống xử lý nước thải. Đường ống này nối từ hố ga thu gom nước thải công nghiệp ban đầu với đường ống thoát nước thải đã qua xử lý và chảy ra môi trường. Tuy nhiên, hệ thống này không xả thải trong thời điểm kiểm tra.
Làm ngơ việc gây ô nhiễm?
Việc Habeco tự phân tích chất lượng nước thải của mình cũng như buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành đã chứng minh các chỉ số nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Thế nhưng, đơn vị này, ngày 16/12/2008 lại có công văn đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường thành phố Hà Nội “xác nhận cho Tổng Công ty là đơn vị đã thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp luật bảo vệ môi trường.”
Trước đó, chỉ sau 6 ngày sau khi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, ngày 10/12/2008, Tổng Giám đốc Habeco, ông Nguyễn Văn Việt đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Hà xem xét xác nhận cho Habeco là doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện đầy đủ chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước.
Và, lạ thay, chính ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Hà đã tự tay phê rằng: “Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội có trụ sở tại 183 Hoàng Hoa Thám – Ngọc Hà là đơn vị thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.” Điều này trái với ý kiến của ông Phó chủ tịch phường Ngọc Hà – Nguyễn Ngọc Lăng khi nói rằng, phường nắm rõ bức xúc của bà con và vẫn chờ kết quả từ cơ quan chức năng.
Sau khi biết được thông tin trên, những người dân ở tổ 56 vô cùng bức xúc. Họ nói rằng, ngoài việc Habeco “làm ngơ” với ô nhiễm do mình thải ra mà vị đại diện cho quyền lợi của họ cũng không làm đúng trách nhiệm, bổn phận của mình với trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân./.