ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, nhiều người dân ở tổ 56, phường Ngọc Hà (thuộc Quận Ba Đình, Hà Nội) đã lên tiếng về việc Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.
Sống cùng ô nhiễm
Bà Đỗ Minh Thu, 75 tuổi (nhà số 7, ngách 24, ngõ 173, Hoàng Hoa Thám) rầu rầu nói rằng, con gái bà đã phải sang phường Thành Công ở vì không chịu nổi cảnh ô nhiễm của con mương thoát nước cạnh nhà.
Chỉ tay ra phía chiếc cống to đang xối xả chảy vào con mương lộ thiên đen ngòm, nơi chỉ cách nhà bà có một con đường bé xíu, bà Thu bảo đã hai mươi năm sống cạnh con mương thoát nước này, bà đã “hứng đủ” mùi ô nhiễm. Tận mắt chứng kiến cảnh chết dần của con mương, bà Thu thấy càng về sau này, mức độ ô nhiễm ngày càng lớn khiến người dân quanh năm ngửi mùi hôi thối. Vào những hôm trở trời, mùi thối bốc lên vô cùng khó chịu. Buổi trưa, buổi tối, bà Thu thường xuyên phải đóng chặt cửa kính mới mong cảnh “bát cơm ám mùi… cống rãnh.”
Bà Thu cũng nói, vì sự ô nhiễm ấy mà buổi sáng ngủ dậy, bà và một số người già quanh xóm không có cảm giác thanh thản, bản thân bà hay bị các chứng bệnh về viêm mũi, viêm họng. “Các cụ già tầm tuổi 70 hầu hết bị ghẻ lở ở chân vì ngày còn trẻ họ là xã viên Hợp tác xã hoa rau Ngọc Hà nên thường phải xuống mương múc nước tưới rau,” bà Thu kể tiếp.
Ông Nguyễn Đinh, 80 tuổi thì kể rằng, vợ ông cũng bị nấm chân do ngày xưa phải xuống mương gánh nước quá nhiều. Con mương này, xưa kia trước là rãnh thoát nước nhỏ rồi được cải tạo thành mương thoát nước hồi giải phóng Thủ đô. Giờ thì nó đã quá ô nhiễm, khiến nhiều người phải đặt cho nó cái tên là mương thối. Có người không quen, đi qua không chịu được phải bịt mũi, đi cho nhanh.
“Chúng tôi đã già nên giấc ngủ là rất quan trọng, nhưng đã từ lâu lắm tôi không còn cảm thấy thanh thản khi ngủ dậy buổi sáng. Thậm chí, có nhiều đêm còn phải dậy lấy khăn bịt mũi, bật quạt vì hôi thối quá,” bà Thu bức xúc.
Một số người thì cho biết, trẻ em và người già ở khu vực này còn bị mắc những bệnh về hô hấp.
Habeco là thủ phạm chính?
Đa phần người dân nơi đây nói với chúng tôi rằng, nguyên nhân chính của sự ô nhiễm trầm trọng này chính là nguồn nước thải bốc mùi của công ty Habeco. Tuy nhiên, quan sát thấy, ngoài những cống thải của Habeco, còn có hệ thống xả thải của người dân ven bờ mương.
Đưa ra bằng chứng, ông Nguyễn Đinh nói rằng, mình là người dân gốc ở khu vực này. Đã rất nhiều lần ông và bà con chứng kiến nước thải của Habeco khi thì có màu vàng, lúc có màu như củ nâu, màu trắng… bốc mùi dữ dội.
Ông Nguyễn Trần Hà, 62 tuổi, nói rằng, nước thải của công ty Habeco trước kia xả thải vào các giờ trong ngày, nhưng từ khi có “vụ Vedan” nên việc xả những nước màu và gây mùi cũng “đỡ” hơn. “Ngày xưa theo dõi dễ, nhưng giờ thì khó vì không biết họ xả những thứ nước đó ra vào lúc nào.”
Bà Thu, vốn ở sát cống thì nói rằng cống xả thải bốc mùi nhất là vào buổi tối và ban đêm. Người dân cũng nói, họ đã có phản ánh lên chính quyền địa phương, mong được giải quyết triệt để sự ô nhiễm để bảo đảm an toàn cuộc sống.
Dài cổ chờ kết luận
Về điều này, ông Nguyễn Văn Hoạt, Tổ trưởng tổ dân phố 56 (phường Ngọc Hà) nói rằng, “một năm hội đồng nhân dân họp 2 lần, không kỳ họp nào là không phản ánh.”
Ông Hoạt cũng nói, Ủy ban Nhân dân phường cũng đã tiếp thu và vào Habeco để làm việc. Trong buổi làm việc cuối năm 2008, ông Hoạt thấy nhà máy có hệ thống xử lý. Và, “nhà máy trả lời khi xả ra môi trường, nước thải không có vấn đề gì.” Nhưng, vị đại diện cho bà con cư dân 56 cũng nói rằng, ông đã gặp nước chảy ra có mùi xút nồng nặc.
Thông tin trên làm người dân rất phẫn nộ. Họ cho rằng, cho dù có hệ thống xử lý chăng nữa thì việc vận hành hay không và vận hành xử lý đến mức độ nào thì chỉ Habeco mới biết. Thậm chí, họ còn cho hay có nhiều đoàn thanh, kiểm tra nhưng hiện đâu vẫn vào đó. “Chúng tôi là người dân thấp cổ bé họng, chỉ biết kêu lên phường thôi. Phường không giải quyết được thì biết kêu ai?” ông Đinh chán nản.
Về phần mình, ông Nguyễn Ngọc Lăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Hà nói rằng, phường nắm rất rõ bức xúc của bà con vì con mương kề sát trụ sở phường. Ngoài ra, trong những lần tiếp xúc với cử tri đều nhận được phản ánh.
Ông Lăng cũng nói Habeco đã tồn tại và sản xuất trên địa bàn phường Ngọc Hà trên 100 năm. Về nước thải của Habeco ra môi trường, ông Lăng cho hay, lãnh đạo phường đã làm việc với nhà máy, và lãnh đạo nhà máy đã tiếp thu, làm hệ thống xử lý trước khi xả thải ra bên ngoài.
Vị Phó Chủ tịch phường Ngọc Hà cũng nói, bằng mắt thường thì không thể kết luận được nước có ô nhiễm hay không, do đó cần có đo đạc một cách khoa học. Tuy nhiên, vào lúc thời tiết bình thường thì cống còn dễ chịu chứ “vào những hôm thời tiết bất thường, nước bốc mùi hôi khó chịu,” ông Lăng khẳng định.
Theo ông Lăng, Ủy ban Nhân dân phường Ngọc Hà đã có kiến nghị gửi sang Habeco, Công an phường. Cuối năm 2008, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an thành phố Hà Nội) đã xuống kiểm tra nhưng đến nay phường chưa nhận được kết quả.
Hiện, người dân vẫn sống trong ô nhiễm và dài cổ chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt và chính xác của các cơ quan chức năng để làm trong lành cuộc sống ở khu vực này.