ThienNhien.Net- Tại phiên chất vấn của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội đối với UBND thành phố về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, đã có nhiều ý kiến bức xúc trước tình hình rà soát các dự án đầu tư, quy hoạch, xử lý ô nhiễm môi trường… trên địa bàn thành phố.
Tháng 6, công bố kết quả rà soát các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình, sau 5 tháng thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Hà Nội cùng Bộ Xây dựng đã rà soát 744 đồ án quy hoạch và dự án đầu tư, trên diện tích 75.000ha đất.
Trong số này, có 306 đồ án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch, 438 dự án đã được phê duyệt đầu tư, 213 dự án đã có quyết định thu hồi và nhiều dự án phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch chung của Thủ đô hoặc phải dừng triển khai.
Đại biểu Phạm Thị Loan nêu vấn đề, hiện thành phố chưa có quy hoạch chung. Vậy dựa vào cơ sở nào để cấp phép dự án? Đối với những dự án đã triển khai nhưng nằm trong nhóm phải dừng, thành phố sẽ đền bù như thế nào?.
Phó Chủ tịch Phí Thái Bình giải trình, hiện, UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo phân loại các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư theo nhóm. Những dự án tạm dừng chờ quy hoạch chung Hà Nội mở rộng sẽ gồm các đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với quy hoạch vùng Thủ đô và nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung.
Để bù đắp thiệt thòi của các nhà đầu tư diện những dự án đã triển khai nhưng do nằm trong nhóm phải dừng, theo Phó Chủ tịch Phí Thái Bình, “Thành phố đã tính đến phương án hoàn trả chi phí. Các nhà đầu tư này sẽ được nhận dự án ở những địa điểm theo quy hoạch chung”.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, những dự án nằm trong quy hoạch không gian xanh, vành đai đều phải dừng lại.
Chủ tịch cho hay, những dự án nằm ở địa điểm được quy hoạch thành vùng đô thị sẽ được tiếp tục thực hiện, nhưng thành phố sẽ rà soát lại quy mô, tính chất không gian và đặc biệt là kết nối hạ tầng kỹ thuật trong tổng thể Hà Nội mới. Những dự án khó xác định giữa việc chắc chắn cho tiếp tục hay chắc chắn phải dừng sẽ bị tạm dừng.
Đối với các đồ án, dự án đề nghị dừng hẳn, việc xem xét dựa trên các tiêu chí như nằm trong hành lang thoát lũ, khu vực cấm và hạn chế xây dựng theo quy định của pháp luật (hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, đê điều, di tích…).Những dự án không đảm bảo môi trường, không nằm trong định hướng các quy hoạch chung đã được duyệt… cũng sẽ bị dừng hẳn.
Dự kiến, tháng 5 này, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội lần 1. Sau khi rà soát lần cuối, Hà Nội và Bộ Xây dựng sẽ thống nhất tiến hành, hoàn thành trong tháng 6, để có thể công bố ngay cho các địa phương và chủ dự án.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường
Thực tế, Hà Nội vẫn đang sử dụng các trạm xử lý nước thải xây dựng từ năm 2005. Vấn đề thoát nước cũng mới được đầu tư vào 9 quận nội thành. Vì vậy, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm các sông là do nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề hầu hết chưa qua xử lý hầu hết thải trực tiếp.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu bức xúc trước vấn đề liên quan tới qui hoạch xử lý chất thải, nước thải trong thành phố… Nhiều ý kiến đề nghị thành phố sớm có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các sông trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, sau 5 năm triển khai Quyết định 74/2003/QĐ-UB ngày 17/06/2003 về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các quận nội thành, thành phố đã di dời xong 22/142 cơ sở.
Tuy nhiên, tiến độ di dời các cơ sở trên còn chậm. UBND thành phố đã tạo điều kiện để các đơn vị di dời khắc phục khó khăn, huy động các nguồn lực tham gia các dự án cung ứng dịch vụ công cộng thuộc lĩnh vực xã hội hóa và giải quyết những vấn đề bức xúc dân sinh, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và xã hội.
Hiện thành phố đang triển khai Xây dựng một số khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn – Sóc Sơn, nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây, Ba Vì… đồng thời khẩn trương hoàn thành quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.
Theo Phó Chủ tịch, cùng với các giải pháp đồng bộ, cần tăng cường kiểm tra và tùy theo mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý. Đối với những nơi gây ô nhiễm nhưng không thể đóng cửa, chẳng hạn như bệnh viện, sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ lãnh đạo.
“Đặc biệt, các cấp ngành cần chú trọng vấn đề tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của các tổ chức, cá nhân”, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nói.
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Trưởng đoàn giám sát nhận định, UBND thành phố Hà Nội đã trả lời những vấn đề mà đoàn giám sát đặt ra với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm.
Đoàn giám sát đề nghị, ngay sau buổi chất vấn, UBND thành phố cần chỉ đạo quyết liệt để giải quyết những vấn đề đã đề cập đồng thời chuẩn bị tốt đề án bảo vệ môi trường để trình HĐND thành phố vào kỳ họp giữa năm và báo cáo kết quả giải quyết những vấn đề đặt ra tại buổi giám sát này vào kỳ họp cuối năm.
Theo Trưởng đoàn giám sát, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của trung ương và thành phố về công tác môi trường để mọi người dân cùng vào cuộc.