ThienNhien.Net – Chiều ngày 15/04 tại Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ninh, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Công nghệ chuyên đề "Phát triển và bảo tồn lâm sản ngoài gỗ".
Tham dự diễn đàn có TS. Tống Khiêm – Giám đốc Trung tâm KN – KN QG; PGS. Hoàng Công Đãng – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ninh; TS. Võ Đại Hải – Phó Viện trưởng Viện KHLN Việt Nam, GS.TS Lê Đình Khả, GS.TS Nguyễn Xuân Quát, TS. Nguyễn Ngọc Lung – Hội KHLN Việt Nam, TS. Nguyễn Huy Sơn – Trung tâm nghiên cứu Lâm đặc sản – Viện KHKTLNVN, ông Trần Ngọc Hải – Trường Đại học Lâm nghiệp. Cùng hơn 300 đại biểu đại diện Trung tâm KN – KNQG; lãnh đạo, chuyên viên, và đại diện nông dân Trung tâm KN – KN các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nội và Hoà Bình, Cao Bằng, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lai Châu…
Qua báo cáo đề dẫn của ông Hoàng Công Đãng – PGĐ Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ninh và TS. Nguyễn Huy Sơn – Trung tâm Nghiên cứu Lâm đặc sản – Viện KHKTLNVN trình bày tổng quan về lâm sản ngoài gỗ cho thấy ở Việt Nam, tài nguyên lâm sản ngoài gỗ (LSNG) bao gồm các nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ rừng như song mây, tre nứa, cây thuốc, dầu nhựa, cây ăn được, ta nanh, thuốc nhuộm và các sản phẩm từ động vật hoang dã… rất phong phú và đa dạng với gần 4.000 loài trong đó có khoảng 40 loài tre nứa, 40 loài song mây, 600 loài cây có chứa tananh, 260 loài cho dầu và nhựa, 160 loài chứa tinh dầu, 76 loài chứa chất thơm, 93 loài cho chất mầu, 1498 loài cho các dược phẩm và hàng trăm loài làm thức ăn…
Hầu hết mọi người đều thừa nhận LSNG như một yếu tố quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội miền núi. Hơn 150 sản phẩm LSNG được kinh doanh trên thị trường thế giới bao gồm mây, tre, mật ong, nấm, hạt dẻ, tinh dầu và thực vật, một phần sản phẩm từ động vật. Hiện trên thế giới có hàng triệu hộ gia đình phụ thuộc vào LSNG, 80% dân số ở các nước phát triển sử dụng LSNG phục vụ các nhu cầu về dinh dưỡng và sức khoẻ. Ở Việt Nam lâm sản ngoài gỗ là một trong những nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ gia đình; gây trồng LSNG trên diện tích đất lâm nghiệp được giao hoặc thu hái mang lại nguồn thu trung bình chiếm từ 10 – 20% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân.
Tuy nhiên, việc bảo vệ tài nguyên LSNG còn gặp nhiều khó khăn như: phân tán, trữ lượng thấp, khó thành hàng hoá, chưa có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu về LSNG nên việc cung cấp nguyên liệu còn bị động. Năng suất và sản lượng thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, thiếu cơ quan quản lý thống nhất. Bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia với mục tiêu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 800 triệu đô la/năm. Hiện công tác phát triển lâm sản ngoài gỗ đang gặp khó khăn do rừng đã bị tàn phá nhiều, nhận thức của người dân chưa chuyển biến mạnh…
Dưới sự chủ trì của TS. Tống Khiêm, TS. Võ Đại Hải, ông Hoàng Công Đãng cùng Ban cố vấn của diễn đàn là các giáo sư, nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành đã trả lời hầu hết trên 50 câu hỏi của các đại biểu và bà con nông dân xoay quanh các vấn đề chính về chính sách cho người dân tham gia trồng lâm sản ngoài gỗ, chính sách hỗ trợ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ, chính sách giao đất, giao rừng, quản lý giống; các vấn đề về kỹ thuật, kỹ thuật nhân giống và phát triển cây lâm sản ngoài gỗ; chính sách về kinh doanh. Ngoài ra, diễn đàn còn đề cập đến các thông tin về cây, con, những tác động của lâm sản ngoài gỗ đối với môi trường, vấn đề quy hoạch qua những phần hỏi trực tiếp từ nông dân và các đại biểu tham dự.
Kết luận tại diễn đàn, TS. Tống Khiêm nhấn mạnh: “Diễn đàn khuyến nông @ công nghệ chuyên đề “Phát triển và bảo tồn lâm sản ngoài gỗ” thực sự là nơi trao đổi trực tiếp giữa nông dân và 4 nhà bao gồm nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông được giao lưu đối thoại trực tiếp những vấn đề liên quan đến phát triển và bảo tồn lâm sản ngoài gỗ. Với những câu hỏi thiết thực được đặt ra cho Ban cố vấn và các nhà khoa học đã giải đáp những khó khăn vướng mắc của nông dân về lâm sản ngoài gỗ xoay quanh các cây chính như dó trầm, dược liệu, tre nứa, song mây, ba kích và động vật hoang dã. Tại diễn đàn người nông dân được giao lưu học hỏi những kinh nghiệm, những thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật mới liên quan đến vấn đề phát triển lâm sản ngoài gỗ (giá trị kinh tế, hiệu quả kinh tế; kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác, bảo quản; thị trường và tiêu thụ; quản lý, thủ tục, khai thác và vận chuyển tiêu thụ LSNG; chính sách, chủ trương phát triển lâm sản ngoài gỗ… ) để khai thác một cách hợp lý, và duy trì được nguồn tài nguyên này”
Với trên 10 lượt trả lời của Ban cố vấn và các nhà khoa học, các câu hỏi còn lại ban tổ chức sẽ trả lời trên trang Web và Tờ tin của Trung tâm KN – KNQG cũng như Trung tâm KKN – KN tỉnh Quảng Ninh. Đề nghị Nhà nước, Bộ NN và PTNT tạo điều kiện để phát triển và bảo tồn LSNG về vốn (thông qua doanh nghiệp), tỉnh Quảng Ninh nên có các đề tài nghiên cứu để duy trì và phát triển cây bản địa.