ThienNhien.Net – KS. Lê Tuấn Minh, Viện Khoa học Vật liệu và ThS. Kiều Văn Mát, Công ty Cổ phần Sông Đà 12 – Cao Đường đã nghiên cứu, chế tạo và hoàn thiện thành công dây chuyền công nghệ chế biến tro bay nhiệt điện Phả Lại công suất 25.000 tấn/tháng, đạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2008.
Thành công của công nghệ này giải quyết được tình trạng tro xỉ phế thải khổng lồ của các nhà máy nhiệt điện đốt than. Riêng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại (lớn nhất miền Bắc) mỗi năm thải ra khoảng 1 triệu tấn, dự kiến đến năm 2015, tổng trữ lượng thải ra của các nhà máy nhiệt điện đốt than lên đến 5 triệu tấn/năm.
Lần đầu tiên trong nước đã có được giải pháp thiết bị và công nghệ đồng bộ biến phế thải ngành công nghiệp năng lượng thành các sản phẩm có giá trị thân thiện với môi trường, như tro bay làm phụ gia cho công nghệ bê tông đầm lăn, sản xuất gạch tuynel, xi măng, tấm panen, than tái chế… Công nghệ này làm giảm chi phí đầu tư hồ chứa tro xỉ hàng tỷ đồng. Hiệu quả kỹ thuật của giải pháp cũng góp phần cải thiện mức lương cho công nhân lên mức bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Tro bay có kích thước quá nhỏ nên sử dụng công nghệ tuyển ướt ổn định được tỷ lệ rắn/lỏng trong dung dịch nguyên liệu, làm giảm chi phí thuốc tuyển và ổn định chất lượng cần thiết của sản phẩm. Cô đặc tro bay bằng keo tụ giải quyết được vấn đề công suất rất lớn của dây chuyền trên một diện tích có hạn, mà không cần bất cứ một thiết bị cô đặc nào với chi phí keo tụ không đáng kể (200 đồng/1 tấn sản phẩm).
Sấy khô nhanh bằng lò cánh vẩy làm hạn chế lượng sản phẩm hạt mịn theo dòng khí đi vào khu vực lọc bụi, tăng khả năng tiếp xúc của vật liệu cần sấy với gió nóng để tăng năng suất, hiệu suất đốt, giảm tiêu hao năng lượng, không có tiếng ồn, chi phí điện năng tương tự như lò sấy gián tiếp, chi phí nhiên liệu đốt, nhân công thấp, khả năng tự động hóa cao, dễ vận hành thao tác, ít hư hỏng nặng, hệ số thu hồi cao (85%), tăng tuổi thọ của túi lọc bụi và thay than củ đắt tiền bằng than cám rẻ tiền.