Phát triển DLST trong rừng đặc dụng – Nên tiến hành một cách thận trọng!

ThienNhien.Net – Năm 2002, mô hình sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch sinh thái được triển khai thí điểm tại Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì. Kết quả sau 6 năm thực hiện cho thấy mô hình thí điểm đã có những tác động tích cực, như giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng, tạo cơ hội khôi phục nghề truyền thống và giải quyết công ăn việc làm tại địa phương, qua đó giảm tỉ lệ đói nghèo… Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi Bộ NN&PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Quyết định chính thức cho phép hoạt động này để trình Chính phủ, vẫn còn rất nhiều ý kiến trăn trở phía sau. Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đình Xuân – Phó Giám đốc VQG Lò Gò – Xa Mát đồng thời là Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh – về chủ đề này.


– Hiện nay, có một số vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn (KBT) đã tiến hành cho thuê rừng để phát triển du lịch sinh thái. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông NĐX: Cho thuê rừng, nếu hiểu theo nghĩa là cho thuê một diện tích đất nhất định để làm cơ sở hạ tầng và cho phép khách vào tham quan học hỏi một vài khu vực thì rất tốt. Tuy nhiên, nhiều nơi “giao đứt” cho tư nhân một diện tích nhất định và để mặc họ muốn làm gì thì làm thì đó lại là một câu chuyện khác.

Các loài sinh vật, các chu trình vật chất và năng lượng tự nhiên trong hệ sinh thái không thể hoạt động, vận hành theo ranh giới hành chính được. Ví như, một con chim, con thú đi vào khu vực du lịch thì có thể bị săn bắt hay sao? Người ta không thể làm hàng rào để giới hạn khu vực du lịch và chia cắt khu rừng thành nhiều mảnh khác nhau. Dù làm gì đi nữa thì ban quản lý (BQL) các khu rừng đặc dụng vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý tòan bộ diện tích rừng của mình.

Việc cho thuê rừng đặc dụng làm du lịch sinh thái hiện nay ở nước ta tuy mới bắt đầu nhưng cũng đã bộc lộ những bất cập và bị lợi dụng để xí đất, làm khu nghỉ dưỡng cao cấp hoặc biệt thự núp danh du lịch sinh thái.

– Tại VQG Lò Gò – Xa Mát nơi ông đang thực hiện trách nhiệm của mình, việc cho thuê rừng để phát triển du lịch sinh thái đang được tiến hành như thế nào?

Ông NĐX: Chúng tôi vẫn chưa cho bất cứ dự án nào thuê, chủ yếu là do khu này chưa có sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Trên các mặt báo, nhiều ý kiến chuyên gia và đại diện ban quản lý các khu rừng đặc dụng không giấu giếm lo ngại rằng nếu hoạt động phát triển DLST trong rừng đặc dụng không được nghiên cứu đánh giá tác động (môi trường, văn hóa, hiệu quả kinh tế) và triển khai một cách khoa học, nhiều VQG, KBT sẽ bị bê tông hóa, bị lấy đi không chỉ những cánh rừng mà cả những nền văn hóa truyền thống gắn vào đó.

Một trong những trở ngại để nhân rộng mô hình sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển DLST hiện nay là sự thiếu cơ sở pháp lý. Điều này gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện và xử lý tranh chấp (nếu có phát sinh). Thậm chí, có ý kiến cảnh báo rằng ở nhiều địa phương ban quản lý rừng đặc dụng có thể sẽ mất quyền kiểm soát trên diện tích đất rừng đã cho thuê làm du lịch.


– Có ý kiến cho rằng, có sự không rõ ràng về quy định chủ thể cho thuê rừng hiện nay và vai trò của ban quản lý rừng dường như chưa được chú trọng?

Ông NĐX: Cho thuê rừng, nếu hiểu theo nghĩa cho thuê cả đất và những sinh vật trên đất thì thật sự không thuộc thẩm quyền của BQL rừng. Ngoài ra, việc xác định giá cả, thời gian cho thuê, quyền và nghĩa vụ của bên được thuê cũng chưa có quy định rõ ràng.

– Theo ông, những tiêu chí nào cho thấy việc phát triển DLST tại một VQG/KBT đang có chiều hướng tích cực hay tiêu cực đối với môi trường và cộng đồng?

Ông NĐX: Cần có đánh giá khách quan, độc lập mới có thể khẳng định được. Tiêu chí về số lượng chỉ là một phần, chưa phản ánh được chất lượng của sự phát triển đó. Chẳng hạn khách đến có đông nhưng được mời chào toàn những đặc sản lấy từ rừng như thịt thú, phong lan… thì đa dạng sinh học liệu có còn không? Người dân thu được gì từ những dự án ấy?

Ông đánh giá ra sao về hai từ “Sinh thái” và “Cộng đồng địa phương” trong mô hình sử dụng môi trường rừng để phát triển DLST? Liệu chúng ta đã hiểu đúng và làm đúng để đạt được sự cân bằng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển chưa?

Ông NĐX: Hiện nay chúng ta đang bị thiên về khía cạnh kinh tế và phát triển, nhẹ về bảo tồn. Thật ra, rừng đặc dụng chủ yếu dành để bảo tồn, còn kinh tế chỉ là phụ do nhà nước chưa có điều kiện chi trả đúng và đủ những giá trị do môi trường rừng đem lại. Chẳng hạn, dự án triển khai quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ tính riêng nguồn thu từ thủy điện và nhà máy nước, số tiền tỉnh Lâm Đồng dự kiến thu được sẽ vào khoảng 50-60 tỷ đồng, tức 270.000đ/ha rừng, gấp hơn 2 lần chi phí hiện nhà nước đang chi cho công tác bảo vệ rừng. Đấy là chưa tính các khoản như phát thải âm CO2 theo Nghị định thư Kyoto, thủy nông, tác dụng chống lũ, duy trì ĐDSH… Nếu tính đủ, người dân có thể sống được từ rừng và giữ rừng thật tốt.

Ông tưởng tượng bức tranh rừng đặc dụng của Việt Nam sau 5 – 10 năm nữa sẽ như thế nào?

Ông NĐX: Tình hình sẽ tốt lên nếu chúng ta có được bước đột phá về chính sách sau khi có luật ĐDSH, bằng không tình hình sẽ rất xấu do áp lực về khai thác rừng, chuyển đổi, chia cắt các khu rừng để phục vụ phát triển kinh tế rất lớn.

Nhìn lại vấn đề cho thuê rừng đặc dụng để phát triển DLST, theo ông chúng ta nên mạnh dạn đi tiếp và nhân rộng cho các KBT hay cần thận trọng và điều chỉnh việc triển khai chủ trương này?

Ông NĐX: Tôi nghĩ nên tiếp tục tiến hành một cách thận trọng.

Xin cảm ơn ông!
 

Mặc dù có tiềm năng lớn song việc phát triển DLST tại các VQG, KBT ở nước ta hiện nay còn khá dè dặt. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó quy định về chức năng và trách nhiệm của Ban quản lý rừng đặc dụng là một trong những lý do để hạn chế. Một số VQG như Bạch Mã, Cát Tiên được đánh giá là những điểm sáng về DLST của cả nước, song lại không nằm trong mô hình thí điểm đã nêu trên. Thế mạnh của những VQG này là được kế thừa nền móng từ trong quá khứ hoặc kết quả những dự án bảo tồn tổng hợp, trong đó DLST là một hợp phần.