ThienNhien.Net – Hà Tĩnh có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn (365.577ha), chiếm khoảng 65% tổng diện tích cả tỉnh. Trong đó đất có rừng 299.603ha, rừng tự nhiên 214.958ha, rừng trồng 84.640ha, đất chưa có rừng 65.974ha, diện tích này chủ yếu vùng đồi núi và ven biển trên nền đất nghèo kiệt dinh dưỡng thấp. Ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh và sự tàn phá của người dân đã để lại sự nghèo kiệt của núi rừng cùng với điều kiện đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Việc phát triển kinh tế nói chung và lâm nghiệp nói riêng vô cùng khó khăn, nhất là việc phục hồi rừng lại càng khó. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Hà Tĩnh đã xây dựng hàng trăm mô hình khuyến lâm nhằm góp phần phát triển lâm nghiệp.
Qua 8 năm (2000 – 2008) thực hiện, các mô hình khuyến lâm đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng rừng, tăng nhanh diện tích, nâng cao độ che phủ rừng lên hơn 48%. Các mô hình đã triển khai quy tụ lại dưới 3 dạng chính đó là: mô hình trồng rừng nguyên liệu Keo lai, Bạch đàn dâm hom; mô hình kinh tế nông lâm kết hợp giữa cây lâm nghiệp với cây ăn quả và mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ.
Mô hình trồng rừng nguyên liệu bạch đàn, keo lai là mô hình được khẳng định đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, phù hợp với điều kiện đất đai đồi núi Hà Tĩnh. Mô hình này được trồng bằng nguồn cây giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, mật độ trồng hợp lý 1.600 cây/ha, người dân quan tâm đầu tư phân bón và chăm sóc rừng sinh trưởng khá đồng đều.
Từ những năm đầu khi xây dựng, mô hình đã được nông dân đồng tình ủng hộ và thực tế sự thành công của mô hình đã lan toả khắp tỉnh. Nhiều gia đình đã trở nên giàu có từ nghề trồng rừng. Nông dân ở huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên đã nắm bắt kỹ thuật và áp dụng có hiệu quả, nhiều gia đình đã trồng đạt năng suất 60 – 80m3/ha, bán cho nhà máy băm dăm gỗ cảng Vũng Áng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha sau 5 – 6 năm khai thác. Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn trên vùng đất không mấy màu mỡ này bởi vốn đầu tư không cao, công chăm sóc bảo vệ không nhiều.
Mây tắt là loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao nhưng đã bị cạn kiệt, bằng kiến thức kỹ thuật được đào tạo học tập, người cán bộ khuyến nông đã tận tuỵ cùng nông dân lăn lộn đẩy mạnh phong trào trồng mây. Hiện nay, cây mây đã phát triển lan rộng trên nhiều địa phương, nhất là các huyện miền núi nơi có nhiều điều kiện cho loại cây này phát triển như: Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Kỳ Anh…
Mây cho khai thác bắt đầu từ năm thứ 4, năm thứ 6 trở đi năng suất bình quân năm từ 12 -15 tấn/ha, tương đương với giá trị 90 -100 triệu đồng. Với chu kỳ kinh doanh kéo dài đến hàng chục năm cây mây đem lại thu nhập lớn cho các hộ gia đình, đồng thời còn có ý nghĩa cao trong việc giảm đáng kể áp lực phá hoại rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Mô hình kinh tế nông lâm kết hợp với mục đích xây dựng mô hình sản xuất kết hợp giữa các loài cây lâm nghiệp với các loài cây ăn quả, lấy cây nông sản ngắn ngày nuôi cây lâm nghiệp dài ngày tạo tiền đề và điều kiện thúc đẩy kinh tế, giúp nông dân miền núi xác định cơ cấu cây trồng và có hướng làm ăn kinh tế hiệu quả cao ổn định lâu dài. Cây bưởi Phúc Trạch, cam chanh, hồng vuông… đã khai thác tiềm năng lợi thế đất đai vùng gò đồi Hương Khê, Hương Sơn, Can Lộc, Vũ Quang… giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân miền núi.
Tại Hội thảo đánh giá kết quả các mô hình lâm nghiệp của Trung tâm, các nhà quản lý nhà khoa học đã khẳng đị sự thành công của mô hình có ý nghĩa thiết thực trong sản xuất lâm nghiệp, đồng thời nêu ra những yếu tố tạo nên thành công, đó là:
– Mô hình đã xác định loài cây trồng phù hợp với đất đai Hà Tĩnh và nhu cầu sản xuất của nông dân.
– Sản phẩm có thị trường tiêu thụ, giá cả hợp lý.
– Nông dân và cán bộ khuyến nông cùng quan tâm bám sát thực hiện mô hình.
Các nhà quản lý, nhà khoa học cũng nêu lên những bài học kinh nghiệm trong khâu chỉ đạo, định hướng xây dựng mô hình khuyến lâm, đó là: cần xác định cụ thể cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái và kinh tế của từng vùng, từng địa phương mang tính ổn định, bền vững; quan tâm đến các loại cây trồng bản địa như lim xanh, cồng trắng, re hương, trám, gie, dổi… đến các loài phi lao không chỉ trồng trên đất cát mà trên cả vùng đồi núi phát huy tác dụng phòng hộ và phát triển kinh tế. Thị trường là yếu tố rất quan trọng khi chọn loại cây trồng.
Xây dựng mô hình lâm nghiệp là nội dung hoạt động của công tác khuyến nông nhằm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân một cách nhanh nhất, dễ áp dụng, tạo điều kiện cho nông dân chủ động sản xuất trên mảnh đất của chính mình.