ThienNhien.Net – Rừng từ lâu được coi là đồng minh của con người trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, song báo cáo vừa công bố của Tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (IUFRO) lại cảnh báo diện tích rừng đang giảm đáng kể có thể sẽ sớm trở thành tác nhân làm gia tăng lượng khí cácbon trong không khí.
Báo cáo nêu rõ các cánh rừng, hiện hấp thụ khoảng 25% lượng khí thải cácbon, sẽ không có tác dụng điều hòa môi trường và hấp thụ cácbon nữa, nếu như Trái đất nóng thêm 2,5 độ C và điều này có thể xảy ra ngay trong thế kỷ này nếu thế giới không có biện pháp khắc phục làm giảm đáng kể lượng khí thải hiện nay.
Nhiệt độ tăng cao cùng với tình trạng hạn hán kéo dài, sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại sâu bệnh và những tác động môi trường đi kèm với biến đổi khí hậu sẽ làm giảm đáng kể diện tích rừng trên thế giới.
Ông Risto Seppala, Giáo sư Viện nghiên cứu lâm nghiệp Phần Lan, người đứng đầu nhóm chuyên gia quốc tế lập báo cáo đánh giá toàn cầu mang tên “Sự thích nghi của rừng và con người đối với biến đổi khí hậu” cho biết sau vài thập kỷ tới những tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ tăng và hậu quả là nạn cháy rừng dễ xảy ra hơn. Điều này sẽ góp phần làm gia tăng lượng khí thải cácbon và càng đẩy nhanh quá trình ấm lên của Trái đất.
Một báo cáo mới đây của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng xác nhận cháy rừng đang trở thành nguyên nhân ngày càng lớn gây hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan lâm nghiệp Canada Werner Kurz cho biết tình trạng đốt phá rừng sẽ gây ra khoảng 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mỗi năm khoảng 9.200 triệu tấn củi gỗ bị đốt trên toàn cầu, kể cả để làm nhiên liệu, trong đó khoảng 5.130 triệu tấn bị đốt do cháy rừng. Lượng củi bị đốt này tung vào bầu khí quyển khoảng 3.430 triệu tấn khí CO2, góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.
Báo cáo này sẽ chính thức được trình lên tại phiên họp sắp tới của Diễn đàn Lâm nghiệp Liên hợp quốc (UNFF) diễn ra từ ngày 20/04 đến 01/05 tại trụ sở Liên hợp quốc./.