ThienNhien.Net – Các thông tin bất lợi cho thủy sản Việt Nam liên tục xuất hiện ở một số thị trường quan trọng như Nga, Ai Cập, Italy đã khiến không ít doanh nghiệp trong nước rơi vào khó khăn.Do các thị trường tiêu thụ chính giảm, cộng với khó khăn về nguồn nguyên liệu, quý I/2009 xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm trên 8%.
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, trong bối cảnh khó khăn thì đây đã là một nỗ lực lớn của ngành thủy sản. Trong thời điểm này, việc nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để thủy sản Việt Nam khẳng định chỗ đứng và mở rộng thị trường.
Từ tín hiệu không khả quan…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý I/2009, cá tra, basa chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm này của Việt Nam (Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Italy, Ai Cập, Mỹ…) đã và đang sử dụng các chương trình truyền thông nhằm hạ bệ sản phẩm cá tra để bảo vệ sản phẩm cá trong nước. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Dự báo vấn đề này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, vì vậy cần chuẩn bị tốt trong việc phản hồi với những thông tin không đúng và có hệ thống giúp người tiêu dùng các nước có cái nhìn đúng và sát thực hơn.
Thêm vào đó, xuất khẩu tôm dự báo sẽ không có tín hiệu khả quan do nhu cầu của đa số các thị trường chính giảm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đồng USD rớt giá.
Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu tôm nguyên liệu, lượng tồn kho lớn trong khi vốn không đảm bảo. Nhu cầu thực phẩm cao cấp như cá ngừ sẽ tiếp tục giảm, ngay thị trường các nước lớn cũng sút giảm nên xuất khẩu cá ngừ cũng không có triển vọng tươi sáng.
Do vậy, VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng tới sẽ tiếp tục khó khăn, giá trị xuất khẩu cả năm 2009 hy vọng đạt bằng mức năm ngoái là 4,5 tỷ USD đã là thành công. Tuy nhiên, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp và các đơn vị sản xuất nhằm giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường sẽ là những giải pháp cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm khó khăn 2009.
Đến giải pháp giá thành và chất lượng
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, qua câu chuyện Nga tạm dừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam thời gian vừa rồi cho thấy, một số doanh nghiệp đã “tàn phá” chất lượng loài cá này, ảnh hưởng tới uy tín cá tra trên thị trường thế giới và đe dọa trực tiếp không chỉ những người khai thác mà cả những người nuôi.
Để bảo vệ mình, ngành thủy sản phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đầy đủ các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trành phải đối diện với việc con cá tra bị phản đối ở nhiều thị trường hơn. Năm 2008, cá tra Việt Nam phải đối diện với sự phản ứng từ Pháp, tiếp đến là Tây Ban Nha, sau đó là Nga, mới đây là Ai Cập và Italy.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, ngành thủy sản có quyền bảo vệ uy tín của mình bằng mọi biện pháp, kể cả biện pháp hành chính, không thể để tình trạng giảm chất lượng để giảm giá. Chính vì vậy, việc thành lập Ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga sẽ là bài học lớn để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các thị trường khác như Trung Đông. Riêng đối với các doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động để quảng bá, phải tìm mọi cách để ngăn chặn sự “phá hoại” về chất lượng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, mới đây, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cùng hợp tác để giúp cho ngành thủy sản lấy lại hình ảnh, nhất là đối với sản phẩm cá tra và bước đầu đã có kết quả ở Nga, Ai Cập. Nhưng, để các bộ, ngành khi làm việc với nước ngoài có hiệu quả, bác bỏ những thông tin không chính xác, thì trước hết các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh mình là đối tác trung thực, tin cậy và minh bạch. Việt Nam phải chứng tỏ mình là 1 trong 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.
Cùng với các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng kêu gọi các doanh nghiệp thủy sản cùng nhau ngăn ngừa những hành vi gian lận. Để đảm bảo chất lượng, thủy sản Việt Nam phải thống nhất toàn bộ quy trình sản xuất, từ đồng ruộng, ao nuôi đến nhà máy… Phải quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm.
Mới đây, Bộ đã mời Giám đốc Trung tâm vùng ở Cần Thơ đến làm việc vì vùng đó kiểm soát chất lượng cá tra đi Nga là chủ yếu, xử lý những lô hàng thực tế có tạp chất không phù hợp với yêu cầu của phía bạn. Các cơ quan có trách nhiệm và các trung tâm phải nghiêm túc xem xét lại quy trình làm việc của mình; các doanh nghiệp không nên chỉ khi nào bị kiểm tra mới làm ăn nghiêm túc mà phải luôn tự kiểm tra./.
Quý I/2009, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 166.695 tấn, trị giá 579,26 triệu USD, giảm trên 8% về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ. Trong đó cá tra, basa chiếm tỷ trọng cao nhất 36% với 208,4 triệu USD, giảm 5%; tôm đông lạnh tụt xuống thứ 2 với giá trị kim ngạch trên 181,2 triệu USD; xuất khẩu cá ngừ giảm mạnh nhất với gần 40%./. |