Các nước phụ thuộc vào nghề cá thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu được công bố trong ấn bản tháng 2 của Tạp chí Cá và nghề cá, với thực trạng biến đổi khí hậu đang dẫn tới nguy cơ suy thoái các rạn san hô, sự xâm nhập của nước mặn vào môi trường sống nước ngọt và các cơn bão biển xuất hiện nhiều hơn. Hàng triệu người đang sống chật vật tại các quốc gia phụ thuộc vào nghề cá ở châu Phi có thể đối mặt với thời kỳ khó khăn chưa từng thấy.

Nghiên cứu được thực hiện bởi đội ngũ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu cá thế giới, trường đại học East Anglia, Đại học Simon Fraser, Trung tâm Môi trường, Ngư nghiệp và Nuôi trồng thủy sản, Đại học Bremen, và Ủy ban sông Mekong. Đây là nghiên cứu đầu tiên phân loại các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu lên hoạt động ngư nghiệp và công bố tên các quốc gia dễ bị ảnh hưởng khác ở Nam Mỹ và châu Á.

Các tác giả đã nghiên cứu tình hình kinh tế của 132 quốc gia để xác định các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất, dựa trên các yếu tố về môi trường, nghề cá, chế độ dinh dưỡng và kinh tế. Họ cho biết các nước cần sự quan tâm nhất, không nhất thiết phải là các khu vực chịu ảnh hưởng môi trường nặng nề nhất đối với nghề cá.

Đúng hơn, đó là các nước mà cá chiếm vai trò quan trọng trong khẩu phần dinh dưỡng, thu nhập và hoạt động thương mại, nhưng lại thiếu khả năng thích ứng với các vấn đề nảy sinh từ biến đổi khí hậu, từ thực trạng mất mát các rạn san hô tới hiệu ứng tẩy trắng rạn san hô do nước bị nóng lên và tình trạng khô hạn của các hồ nước do nhiệt độ tăng lên và lượng mưa giảm đi.

Chẳng hạn, ở các nước dễ bị ảnh hưởng, cá chiếm trên 27% lượng protein tiêu thụ hàng ngày – so với 13% ở các nước không bị ảnh hưởng – và thiếu các nguồn protein thay thế.

Các nước ven biển và các nước nằm trong lục địa ở châu Phi, bao gồm Malawi, Guinea, Senegal và Uganda; bốn nước châu Á nhiệt đới – Bangladesh, Campuchia, Pakistan, Yemen; và hai nước ở Nam Mỹ – Peru, Colombia, được xác định là các nước dễ bị ảnh hưởng nhất về mặt kinh tế do các tác động của hiện tượng ấm lên của trái đất đến nghề cá.

Nhìn chung, trong số 33 nước được cho là dễ bị ảnh hưởng nhất, có 19 nước vừa được Liên Hợp Quốc xác định là kém phát triển nhất do các điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt nghèo nàn.

Theo tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), trên toàn thế giới, nghề cá cung cấp cho hơn 2,6 tỷ người ít nhất 20% tổng lượng protein mà mỗi người tiêu thụ hằng năm.

Theo nghiên cứu của WorldFish – được tài trợ bởi Tổ chức phát triển quốc tế của vương quốc Anh (DFID), các nước dễ bị ảnh hưởng có giá trị sản lượng cá xuất khẩu chiếm 20% tổng giá trị sản lượng xuất khẩu cá toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các nước này nên được ưu tiên các giải pháp thích nghi cho phép họ đương đầu được với các tác động của biến đổi khí hậu và duy trì hoặc nâng cao chi phí giúp xóa đói giảm nghèo nghề cá.

Edward Allison, giám đốc chính sách, kinh tế và xã hội ở WorldFish đồng thời là người đứng đầu nhóm tác giả, cho biết: “Nhìn từ góc độ môi trường, nghề cá ở các nước ở vĩ độ cao hơn sẽ chịu tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, người dân ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có thể sẽ gánh chịu nhiều nhất, bởi vì cá rất quan trọng trong bữa ăn của họ và họ khó có khả năng để phát triển các nguồn thu nhập và thực phẩm khác.”

Ông còn cho biết thêm: “Chúng tôi cho rằng việc bắt đầu xác định các nước dễ bị ảnh hưởng là vấn đề cấp bách, bởi vì thiệt hại sẽ ngày càng lớn nếu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới không hành động ngay nhằm đưa nghề cá vào kế hoạch giúp người nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Hai phần ba tổng số các nước dễ bị ảnh hưởng là ở châu Phi nhiệt đới, nơi có nhiều nước mà cá là nguồn cung cấp hơn một nửa lượng protein động vật trong bữa ăn hàng ngày. Đây cũng là khu vực mà theo các nhà nghiên cứu, sản lượng cá cả ở vùng ven biển và trong nội địa dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu.

Ở các vùng ven biển, biến đổi khí hậu có thể thay đổi đáng kể các luồng nước giàu chất dinh dưỡng, còn gọi là vùng nước trồi, nơi nguồn cá ổn định đã nuôi sống hàng triệu người vùng phụ cận Sahara Châu Phi.

Trong khi đó, ở miền Đông và Nam châu Phi, nhiệt độ nước trong các hồ nước ngọt tăng lên trong thế kỷ qua đã làm giảm các quần thể cá. Sự thay đổi khí hậu trong tương lai có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn, đồng thời cũng dẫn tới hiện tượng mực nước giảm xuống do lượng mưa giảm và lượng nước bốc hơi tăng.

Ở các nước dễ bị ảnh hưởng trong khu vực Nam Á, các nguy cơ như diện tích rạn san hô bị phá hủy do nhiệt độ nước biển tăng lên. Thêm vào đó, dòng chảy ở các sông thay đổi do lượng tuyết rơi và băng tan giảm, đe dọa tới các môi trường sống nước ngọt.

Các nhà khoa học dự đoán lưu lượng nước mùa hè ở sông Hằng, Ấn Độ sẽ giảm 2/3 có thể làm giảm năng xuất của nghề cá vốn cho sản lượng rất cao nơi đây.

Hơn nữa, ở Bangladesh, sản lượng đánh bắt ven bờ của ngư dân có thể giảm do các cơn bão nhiệt đới được dự báo có thể diễn ra thường xuyên và tăng cường hơn. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, các môi trường nước ngọt nội địa có thể bị phá hủy do sự xâm nhập của nước mặn khi mực nước biển dâng cao.

Ở miền bắc của Nam Mỹ, người ta lo ngại rằng biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi vùng nước trồi ven biển, nơi đánh bắt được một sản lượng lớn cá trống, cá sacdin và các loài cá đại dương nhỏ.

Theo nghiên cứu, bằng chứng về các biến động được thấy rõ qua các tác động nhiệt của dòng El Nino cho thấy nhiệt độ nước đại dương tăng lên có thể dẫn tới sự sụt giảm các quần thể cá trống Peru (mặc dù cá sacdin có xu hướng tăng lên).

Steve Hall, chủ tịch của WorldFish cho biết: “Bản thân các vấn đề nảy sinh từ biến đổi khí hậu đã đủ tồi tệ, thêm vào đó sự suy yếu kinh tế và thể chế của các nước dễ bị ảnh hưởng được xác định trong nghiên cứu cũng như của các cộng đồng ngư dân sẽ làm tình hình trở nên xấu hơn. Nghề cá hiện đang chịu sức ép rất lớn do khai thác quá mức, môi trường sống biến mất, ô nhiễm và nhiều yếu tố khác. Các giải pháp thích nghi khí hậu cần kết hợp với các nỗ lực ứng phó với các mối đe dọa khác để thành công trong việc tạo ra kế sinh nhai bền vững cho ngư dân.”

Các kết luận của bản báo cáo có giá trị hơn vì đồng tác giả là Neil Adger, người có đóng góp lớn trong nhóm tác giả hoàn thành bản báo cáo về biến đổi khí hậu của LHQ được trao thưởng giải Nobel hòa bình 2007, và Ashley Halls, cố vấn nghề cá của Ủy ban sông Mekong – một trong những lưu vực sông có ngành thủy sản nước ngọt phát triển nhất trên thế giới.
 
Các tác giả của nghiên cứu này coi đây là điểm khởi đầu hữu ích cho các giải pháp trong tương lai nhằm dự đoán chính xác hơn tác động của biến đổi khí hậu đối với ngư dân. Theo Allison, một trong nhiều bài học rút ra là cần phải chú trọng tới cả nghề cá ven biển và nghề cá nước ngọt. Ông và các đồng nghiệp sẽ tiếp tục phát huy khả năng nhằm tìm ra mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với sản lượng cá và các điều kiện kinh tế, xã hội. Theo ông, một trong các thiếu sót của nghiên cứu này là không đủ số liệu về các biến động của nghề cá do tác động xã hội và kinh tế ở cấp độ quốc gia.