ThienNhien.Net – Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, tổng lượng nước thải của khu vực nội thành Hà Nội khoảng 500 nghìn m3/ngày đêm, trong đó gần 100 nghìn m3 là nước thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện.
Hiện nay, hàm lượng amoniac ở các hồ lớn như: Hồ Tây, Hoàn Kiếm, Bảy Mẫu, Trúc Bạch… đã cao gấp 2 lần tiêu chuẩn cho phép. Các hồ: Thanh Nhàn, Ngọc Khánh, Văn Chương, Thiền Quang… hàm lượng amoniac cao gấp nhiều lần so với các hồ lớn.Tất cả lượng nước thải này đổ vào 4 con sông thoát nước chính của Hà Nội là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét. Hàm lượng amoniac trong nước ở các sông này cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép và cao gấp khoảng 15-20 lần so với nước hồ Tây, 20 – 25 lần hồ Gươm.
Những năm qua, Thành phố đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng các Viện nghiên cứu tìm ra giải pháp tổng thể, với mục tiêu đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm các sông, hồ trên địa bàn.
Cùng với việc xúc tiến nạo vét, xây dựng hạ tầng cơ sở xung quanh hồ như làm đường, làm kè… các dự án xử lý nước hồ Văn, tách nước thải hồ Trúc Bạch, Kim Liên, xử lý nước sông Tô Lịch, giai đoạn 2 công trình thoát nước trạm bơm Yên Sở… đã được triển khai.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, với kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm và 100 tỷ đồng bảo dưỡng các công trình liên quan, đến năm 2015 sẽ giải quyết được 40% hệ thống sông, hồ Hà Nội.
Thành phố đang tiến hành dự án lấy nước sông Hồng đổ vào sông Nhuệ qua bể lắng, sau đó đưa vào sông Tô Lịch để tạo dòng chảy, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm quá nặng của con sông này.
Thành phố cũng kiên quyết di dời ra khỏi nội thành 8 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng. Ngoài ra, thành phố cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm tại hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp như nhuộm, sản xuất – tái chế nhựa, hóa chất, luyện kim… nằm xen kẽ trong khu dân cư.
Thành đoàn Hà Nội cùng các sở, ngành liên quan phát động phong trào thanh niên tình nguyện cải tạo các hồ Hố Mẻ, Khương Thượng, Đống Đa.