ThienNhien.Net – Theo số liệu thống kê của khuyến ngư viên cơ sở, trong những năm gần đây, diện tích nuôi tôm tại Bình Định theo hình thức bán thâm canh, thâm canh đã bắt đầu giảm, cụ thể năm 2008 là 459,9 ha chiếm 20,8%, thấp hơn so với năm 2007 (537,46 ha). Diện tích nuôi tôm theo hình thức bán thâm canh, thâm canh giảm chủ yếu ở các vùng đầm. Tuy vậy, sản lượng nuôi tôm năm 2008 đạt 3.919,57 tấn cao hơn sản lượng năm 2007 (2.829,8 tấn).
Ngoài đối tượng nuôi tôm sú, các địa phương ven biển còn thả nuôi các đối tượng như cá chua, cá rô phi, cua, cá dìa, cá chẽm… Hầu hết nuôi xen trong ao nuôi tôm, đến nay đã thu hoạch gần xong. Kết quả cụ thể như sau: cua nuôi trên 1135,5 ha đạt sản lượng 165,2 tấn, cá các loại chiếm 622 ha đạt sản lượng 279,7 tấn. Trong đó, huyện Tuy Phước và Quy Nhơn, là hai vùng có nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao dẫn đến việc chặt phá rừng ngập mặn để mở rộng quy mô sản xuất, gây mất cân bằng sinh thái, môi trường phì dưỡng, dịch bệnh xảy ra thường xuyên trên diện rộng, ảnh hưởng đến môi trường chung đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn Đầm Thị Nại, có diện tích nuôi cá các loại chiếm 622 ha, đạt sản lượng 268,5 tấn và diện tích nuôi cua là 1.135,5 ha, thu được sản lượng 165,2 tấn.
Có được thành quả đáng khích lệ trên, đó là do người dân đã chuyển đổi hình thức nuôi hợp lý, đó là hình thức nuôi tôm quảng canh thân thiện với môi trường (xen canh tôm – cua – cá), đã làm hạn chế dịch bệnh tôm xảy ra, cụ thể trong năm 2008 diện tích bệnh tôm là 250,87 ha chiếm 9,89 % thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Sản lượng nuôi tôm năm 2008 đạt 3.919,57 tấn cao hơn rất nhiều so với nhiều năm.
Khi nuôi cá ghép với tôm, giống tôm sú cần đạt cỡ giống 3-5cm/con. Vì vậy, cần trải qua giai đọan ương ấu trùng tôm đến tôm giống khoảng 20 ngày. Theo quy trình kỹ thuật của Trung tâm khuyến ngư và Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thủy sản Bình Định, đa số các hộ nuôi quảng canh cải tiến đều tiến hành ương tôm post trong giai đặt trong ao nuôi. Kích thước giai là 5 x 20 x 1,5 (m) với mật độ ương 500-1.000 tôm post/m2. Tôm ương được cho ăn 4 lần/ngày ; thức ăn gồm lòng đỏ trứng, bột cá, thức ăn tổng hợp kích cỡ nhỏ. Sau khoảng 30 ngày ương, tôm đạt kích cỡ 3-5cm/ con, được thả ra ao nuôi. Mật độ nuôi thương phẩm từ 5- 10 con tôm giống/m2, tùy thuộc vào điều kiện đáy ao, mức độ đầu tư cho ăn. Ưu điểm của hình thức này giúp người nuôi kiểm soát được lượng thức ăn, dễ dàng trong khâu quản lý chăm sóc, xác định tỷ lệ sống của tôm ương khi thả ra nuôi trong ao, lọc bỏ được những con tôm yếu. Tôm kích cỡ lớn, khỏe mạnh, thích nghi với môi trường nuôi và phát triển nhanh.
Sau khi thả tôm khoảng 1 tháng mới tiến hành thả cá và cua. Đối với cua, người dân đã bắt đầu tin tưởng vào chất lượng của con cua giống nhân tạo vì hiệu quả rõ rệt từ nghề nuôi cua thương phẩm mang lại, trong nuôi quảng canh cải tiến, các hộ nuôi thả cua đã được ương có kích cỡ lớn 1,5 – 2 cm/con, với mật độ thả là 0,2 con/m2.
Những ao nuôi quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, ngoài đối tượng nuôi chính là tôm, các hộ nuôi tiến hành thả xen một số loài cá hiền, ăn mùn bã hữu cơ để góp phần làm sạch môi trường, Đối với vùng nuôi có độ mặn >20% : Chọn đối tượng là cá măng (Chanos chanos), rô phi đen, rô phi đỏ để nuôi kết hợp. Mật độ thả ghép 0,05- 0,1 con/m2 tuỳ thuộc mật độ tôm nuôi. Đối với vùng nuôi có độ mặn < 20% đối tượng thả ghép là rô phi đơn tính có kích cỡ 10-20g/con, mật độ : 0,05-0,1con/m2.
Với hình thức nuôi tổng hợp tôm cua cá với mật độ phù hợp như trên, hầu hết người nuôi thu nhập khoảng 30-40 triệu/ha, năng suất bình quân 1.300 kg/ha/vụ.
Như vậy, hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường đã và đang dần được người dân áp dụng và mang lại quả kinh tế ổn định cho người nuôi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi. Hiện nay, nhiều hộ nuôi đã tiến hành trồng các loại cây ngập mặn quanh ao để gia cố bờ ao và hấp thu chất thải trong môi trường nuôi, góp phần khôi phục lại hệ thống rừng ngập mặn.
Thành công đó là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng chuyên môn và địa phương, thường xuyên thông qua các chương trình khuyến ngư như xây dựng mô hình trình diễn hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn đầu vụ, tuyên truyền thông tin trên các đài, báo, tờ bướm.. giúp người nuôi tuân thủ qui trình kỹ thuật nuôi tôm: làm tốt công tác từ cải tạo ao hồ; lấy nước; chọn giống và chăm sóc quản lý, và thực hiện đúng lịch thời vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả của nghề nuôi tôm tại Bình Định.