ThienNhien.Net – Ba tháng đầu năm 2009, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được khoảng 25.000 tấn hồ tiêu các loại, tăng 65% về lượng so với cùng kỳ 2008 nhưng giá lại giảm khá mạnh. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), bình quân giá tiêu đen giảm 31%, còn 2.282 USD/tấn và tiêu trắng giảm 29%, còn 3.679 USD/tấn, thành ra giá trị xuất khẩu chỉ đạt 60 triệu USD. Với thị trường nội địa, giá hồ tiêu cũng chỉ dao động trên dưới 30.000 đồng/kg, chỉ bằng 50% so với lúc được giá.
Giải thích nguyên nhân “hồ tiêu sụt giá”, các chuyên gia kinh tế cho rằng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam bị thiệt hại hàng chục triệu USD mỗi năm vì không có thương hiệu chính thống.
Sản lượng lớn nhưng chưa ổn định
Hồ tiêu được trồng tại nhiều địa phương từ Quảng Trị đến Kiên Giang, nhưng có 6 tỉnh trọng điểm là Đồng Nai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Gia Lai và Đắk Nông. Các tỉnh nói trên duy trì thường xuyên một sản lượng hạt tiêu lớn và đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới.
Quá trình trồng, chế biến hạt tiêu đã quy tụ hàng trăm thương lái, đại lý và các doanh nghiệp thu mua cung cấp cho khoảng 100 doanh nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm sau thu hoạch và xuất khẩu. Chuỗi công việc với những công đoạn khác nhau liên quan đến hạt tiêu thương phẩm đã thu hút hàng trăm ngàn lao động, chủ yếu tại những địa phương kinh tế chưa phát triển, vùng xa, vùng sâu. Điều này có ý nghĩa lớn trong tạo việc làm, thu nhập ổn định và từ đó bình ổn đời sống xã hội.
Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 73 nước trên thế giới. Sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50% lượng hồ tiêu xuất khẩu toàn cầu, khẳng định vị trí số 1 trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong một thời gian dài, hồ tiêu Việt Nam đến với thế giới bằng một cái tên khác. Nhưng hiện nay, tình hình đã được cải thiện, cụ thể là trong những năm gần đây, giá bán tiêu của Việt Nam đã ngang với giá các nước, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Có đến 50% lượng hạt tiêu xuất khẩu được bán trực tiếp cho các nhà máy chế biến gia vị tại nhiều nước.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam đã và đang trở thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, khả năng chi phối giá cả thị trường cũng được mở rộng. Một dấu hiệu rất tích cực nữa là những nước sản xuất hồ tiêu lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia… đã đặt vấn đề hợp tác, phát triển, đảm bảo giá có lợi cho người trồng và các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu.
Biểu thuế Việt Nam cam kết với WTO ở mức 30% vào năm đầu tiên và đến năm 2010 giảm xuống 20%. So với biểu thuế hiện tại, 30% với ưu đãi, 40% với giao dịch bình thường và chỉ 5% VAT trong khuôn khổ AFTA thì mức thuế WTO không có ý nghĩa thay đổi.
Gia nhập WTO, hồ tiêu Việt Nam thêm thuận lợi, con số bạn hàng của hồ tiêu Việt Nam không chỉ là 73 quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn tăng nhanh. Bên cạnh đó, gia nhập WTO cũng làm tăng thêm khả năng cạnh tranh hồ tiêu Việt Nam trên thế giới vì giá thành sản xuất hồ tiêu của Việt Nam thấp nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng nên có những khuyến cáo cụ thể để người dân không tăng thêm diện tích mà tập trung nâng cao chất lượng, bền vững của những vườn hiện có.
Vì thiếu thương hiệu
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều vướng mắc đó là sản xuất hồ tiêu còn theo hướng nhỏ lẻ, chưa có quy mô, việc tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ còn thiếu tính chủ động, do đó dẫn đến giá cả không ổn định.
Điển hình là trong năm 2008, giá thị trường cung ứng hạt tiêu đen liên tục biến động từ 73.500 đồng/kg trong những tháng đầu năm giảm dần còn 54.500 đồng/kg vào nửa năm và xuống còn 30.000 đồng/kg vào cuối năm. Và sang các tháng đầu năm 2009 này giá đã giảm xuống trên dưới 30.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của hồ tiêu Việt Nam là rất lớn, cơ hội cho hồ tiêu rất rộng mở, tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam: hiện các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết làm ăn theo đúng luật kinh doanh, nghĩa là bán cái khách hàng cần chứ không phải cái chúng ta có. Đây cũng là nguyên nhân khiến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam vẫn mờ nhạt trên thị trường quốc tế.
Một số nơi, người trồng vẫn mang tính nhỏ lẻ, việc đầu tư về giống, kỹ thuật… chưa được chú trọng, tình trạng “trồng – chặt, chặt – trồng” làm ảnh hưởng tới chất lượng và sản lượng.
Bên cạnh đó, dù hồ tiêu Việt Nam đã có vị thế trên thị trường quốc tế nhưng trong 6 tỉnh trọng điểm sản xuất (Phú Quốc và các tỉnh Tây nguyên), Việt Nam mới chỉ xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê. Hiện nay giá xuất khẩu hồ tiêu có thương hiệu luôn cao hơn từ 15%-20% so với hồ tiêu xuất khẩu loại 1, đây là vấn đề để các doanh nghiệp xuất khẩu cần xem lại.
Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra mục tiêu giữ ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 50.00ha, sản lượng 100.000 tấn/năm, các địa phương phải hướng dẫn người trồng thực hiện quy trình của tiêu chuẩn GAP để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, làm cho giá trị hàng hóa ngày càng gia tăng, xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung…
Cùng với việc phổ biến thông tin thị trường để nông dân và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại, giao lưu hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng được thương hiệu chính thống cho hồ tiêu Việt Nam./.