ThienNhien.Net – Vụ đông xuân 2008-2009, Trạm khuyến nông thành phố Quy Nhơn đã xây dựng mô hình gieo trồng giống lúa lai Nghi hương 2308 theo kế hoạch của Trung tâm khuyến nông Bình Định. Mô hình có diện tích 1,0 ha, thực hiện cánh đồng thôn Mỹ Lợi, xã Phước Mỹ do 10 hộ trực tiếp tham gia; xuống giống ngày 20/12/2008, sản xuất theo qui trình kỹ thuật do Sở Nông nghiệp&PTNT Bình Định ban hành.
Mặc dù gặp những khó khăn nhất định, nhất là mưa muộn kéo dài và thoát nước chậm làm cho lúa bị ngập nước gần 20 ngày sau sạ; sâu bệnh lúa vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều, nhất là sâu cuốn lá, rầy nâu; nhưng do có sự quản lý và thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong gieo trồng, phòng và trừ sậu bệnh, lúa mô hình sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại hội thảo báo cáo kết quả việc phát triển giống lúa lai – ngày 08/04/2009, ruộng lúa mô hình đã chín màu vàng đẹp và chuẩn bị thu hoạch, sâu bệnh không đáng kể, không có rầy nâu, ai cũng tấm tắc khen lúa đẹp. Sau khi tham quan ruộng lúa, trao đổi và thảo luận báo cáo kinh tế kỹ thuật mô hình, hội thảo đã thống nhất đánh giá: giống lúa lai Nghi hương 2308 có nhiều ưu điểm: đẻ nhánh khỏe và tập trung, phục hồi mạnh khi gặp điều kiện bất lợi, chịu úng, tỷ lệ nhánh hữu hiệu rất cao, dễ trồng như lúa thuần, chống chịu sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc/bông cao, năng suất đạt khoảng 77 tạ/ha, cao hơn năng suất các giống lúa thuần tại địa phương khoảng 22 tạ/ha, lãi sản xuất 1 ha cao gấp đôi so với lúa thuần (11,6 triệu đồng/5,6 triệu đồng 1 ha lúa thuần), chất lượng gạo ngon.
Kết quả hội thảo như luồng sinh khí thổi vào làng quê, xua đi những băn khoăn lâu nay trong lòng bà con về hiệu quả lúa lai, chất lượng gạo lúa lai. Cũng trong hội thảo này, nhiều ý kiến đại biểu đã đề nghị làm thế nào để giảm giá bán giống lúa lai (hiện tại 60.000đồng/kg) cho thích hợp, chủ động trong quá trình sản xuất từ khâu qui hoạch đồng ruộng đến cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm,…để lúa lai không bị “ép giá oan uổng” trên thị trường, mở rộng diện tích gieo trồng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.