ThienNhien.Net – Hiện nay, nông dân huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi cua biển kết hợp với tôm sú lên trên 5.000 ha tập trung nhiều nhất tại 3 xã Ninh Thạnh Lợi A, Ninh Thạnh Lợi và Lộc Ninh. Đây là một đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao đưa vào nuôi kết hợp góp phần đa dạng hóa mô hình nuôi trồng thủy sản trên vùng đất chuyển đổi.
Theo nhận định của bà con nông dân, cua biển dễ nuôi, mật độ cua thả ghép tôm sú 300 con/ha cua sẽ tăng trọng nhanh vì không sợ thiếu mồi ăn. Cua biển thích hợp với những vùng nước nhiễm mặn hoặc lợ và cả trong mùa vụ sản xuất lúa, quy trình chăm sóc đơn giản chỉ cần bờ vuông để cỏ mọc cao, trong vuông cần trồng năng hoặc cỏ năng tượng. Bình quân năng suất cua biển nuôi trong năm qua là 80-90kg/1ha mặt nước.
Thời gian qua, cua thương phẩm không những dễ tiêu thụ mà còn luôn đứng ở mức cao. Từ đó, người nuôi hạch toán lãi 7 – 8 triệu đồng/ha lại ăn chắc, không phải nơm nớp lo âu hoặc thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro như đối với một số đối tượng thủy sản khác. Đáng chú ý nhất là ngay đầu vụ năm nay lượng cua giống sản xuất nhân tạo “cua ép” nhiều lại giá rẻ dao động từ 600-700đ/con cỡ “hạt tiêu-dưa”, dịch vụ chuyên chở giống chủ động mà cua giống lại đạt chất lượng tốt, hiện tại cua bà con đã thả được 1-1,5 tháng tuổi, nhìn chung đang phát triển tốt.
Ngoài nuôi kết hợp theo mô hình tôm sú-cua-cá, cua biển có thể nuôi trong vụ lúa một bụi đỏ (lúa cấy) nhằm tăng thêm nguồn thu nhập bởi vì cua ở giai đoạn này tuy tỉ lệ sống thấp nhưng lên gạch khá nhiều mà lại được giá cao .Tương lai, với những điều kiện thuận lợi như trên, diện tích nuôi cua biển kết hợp tại huyện Hồng Dân sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Theo ông Dương Thanh Hậu trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư Hồng Dân đánh giá năm nay bà con trong huyện thả cua nhiều là vì sợ giá tôm sú thương phẩm không ổn định như năm vừa rồi, ngược lại giá cua thương phẩm luôn tăng cao mà lại dễ nuôi, ít rủi ro mà đầu tư thấp hơn tôm sú. Mặc khác, trong thời gian vừa qua trạm đã tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật nuôi tôm-cua-cá kết hợp cho bà con nắm rỏ quy trình kỹ thuật nuôi được nhiều bà con hăng hái học tập.
Mặc dù trong nuôi cua thương phẩm, cua được xem là loài ít bị bệnh tật nhất so với tôm cá, đặc biệt là tôm biển. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cua bị bệnh. Các bệnh này cũng tương tự như bệnh ở tôm biển và tôm càng xanh. Một số bệnh siêu vi trùng (virus) cũng đã được phát hiện ở cua. Các bệnh đốm đen, đốm nâu, đen mang, đóng rong ở cua cũng có nguyên nhân và triệu chứng giống như ở tôm biển. Ngoài ra, cua còn thường bị bệnh ký sinh như Barnacle bám dày đặc trên mang.
Trường hợp nuôi cua trong nước quá lạt cũng có thể gây ra hiện tượng cua bị bẫy lột vỏ (lột bị dính vỏ). Vấn đề nghiên cứu về bệnh và biện pháp phòng trị ở cua vẫn chưa được phổ biến. Dù sao, những thất thoát do bệnh cua trong nuôi thương phẩm chưa đáng ngại lắm so với sự ăn thịt lẩn nhau và đào tẩu (bò đi mất) nếu như bà con không rào chắn cẩn thận và tạo giá thể cho cua cư trú, nhất là trong mùa mưa đến.