ThienNhien.Net – Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Bộ Y tế) cho biết, hiện nay nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát và có chiều hướng tăng, đe dọa thường trực tới đời sống người dân. Trong khi đó, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập khiến việc xử lý loại tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao.
Vi phạm phức tạp
Tại cuộc hội thảo khoa học về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và phi phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 09/04, đại diện Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm nói rằng, ô nhiễm thực phẩm hiện đang tồn tại ở tất cả các khâu nuôi, trồng, chế biến, bảo quản, lưu thông thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng thực phẩm nhập lậu qua biên giới, buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên thị trường rất khó kiểm soát.
Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường (thuộc Bộ Công an), cho biết tình hình vi phạm pháp luật về vấn đề này hiện diễn ra rất phức tạp, đặc biệt phổ biến trong các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, vận chuyển, xuất nhập khẩu thực phẩm.
Ông Thảo cho hay, thực tế khi đi kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong sản xuất, nuôi trồng còn rất phổ biến…
Trong khi đó, nhập khẩu lậu thực phẩm thời gian gần đây tăng đột biến. Mặt hàng được nhập nhiều nhất là rau, quả tươi sống và gia súc, gia cầm từ Trung Quốc. Bọn buôn lậu dùng mọi thủ đoạn mang vác, xé nhỏ, lợi dụng đêm tối, địa hình rừng núi phức tạp để tuồn hàng về Việt Nam…
Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ nhập lậu trâu, bò, gia cầm nhập qua biên giới về Việt Nam, sau đó lại lên chính quyền địa phương xin xác nhận nguồn gốc xuất xứ để đánh lừa các cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Bất cập khi xử lý
Để bảo đảm an toàn cho người dân, nhiều bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ tham gia vào vấn đề vệ sinh an toàn sinh thực phẩm trong từng lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công tác thanh tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về vấn đề này còn nảy sinh nhiều bất cập.
Phía Cục Cảnh sát Môi trường, ông Thảo nói rằng, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu và không đồng bộ, chưa phù hợp với diễn biến thực tế. Ngoài ra, việc phân công trách nhiệm giữa nhiều bộ, ngành liên quan không rõ ràng đã ảnh hưởng lớn đến công tác phối hợp.
Theo ông Thảo, trong Bộ luật Hình sự năm 1999 có 7 Điều luật quy định về tội phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm thì chỉ có 2 điều có hướng dẫn cụ thể và được áp dụng vào thực tế. Ở một số điều khác, yếu tố bắt buộc xác định hành vi phạm tội là “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng “đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào quy định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, hậu quả của một an toàn vệ sinh thực phẩm chưa chắc đã xảy ra ngay tức thì,” ông Thảo nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cụ Hải quan) nói rằng, hệ thống văn bản pháp luật quy định nội dung liên quan còn chưa đầy đủ và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Ông Thảo kiến nghị rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cấp cần khẩn trương kiện toàn, năng lực hệ thống quản lý, hệ thống thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện các Điều quy định tội phạm về vấn đề này trong Bộ luật Hình sự…
Nhiều đại biểu cho rằng, trước tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra hết sức phức tạp, người dân đang đứng trước nguy cơ “bỏ tiền mua thứ hại sức khỏe” thì việc chấn chỉnh, ngăn chặn quyết liệt loại tội phạm này là rất quan trọng, nhất là khi mùa nóng đang tới gần./.