ThienNhien.Net – Nghề nuôi cá nước ngọt ở nông thôn gần đây đã đạt được nhiều thành tựu về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng như chuyển những vùng đất ngoài đê bao trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú, tôm thẻ, chuyển những thửa ruộng năng suất thấp sang nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình nuôi cá trong ruộng lúa góp phần làm tăng thu nhập cho người dân.
Diện tích nuôi cá – lúa trên toàn huyện Gò Công Tây khoảng 9 ha, năng suất thủy sản bình quân thu được 4 – 5 tấn/ha, lợi nhuận thu được từ 10 – 15 triệu đồng/ha. Một số nơi xen một vụ ương cá giống và một vụ lúa như ở các xã: Thạnh Nhựt, Thạnh Trị, Long Vĩnh, Vĩnh Bình, Yên Luông huyện Gò Công Tây cho thu nhập khá cao từ 20 – 25 triệu/1vụ ương/ha.
Tuy nhiên trong sản xuất người dân chủ yếu tận dụng diện tích ruộng trũng để kết hợp nuôi cá, chưa xây dựng mô hình đúng yêu cầu kỹ thuật như đào mương xung quanh, chưa cải tạo mương trước khi thả giống.
Nuôi cá ruộng lúa lấy sản lượng lúa làm chính, nuôi cá để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất; mặt khác cá ăn phần lớn sâu hại, chủ yếu là rầy nâu trong ruộng, giúp hạn chế phun thuốc trừ sâu rầy, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường; nuôi cá ruộng lúa giúp đất mặt ruộng tơi xốp, tăng quá trình phân giải chất hữu cơ trong ruộng lúa; ngoài ra phân cá thải ra làm tăng độ phì nhiêu của đất góp phần làm tăng năng suất lúa.
Nuôi cá ruộng lúa cần phải đắp bờ bao chắc chắn để giữ được nước, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch hại. Ruộng nuôi cá tốt nhất có hình chữ nhật diện tích ruộng từ 1.000 – 10.000m2. Mỗi ruộng nuôi có ít nhất 1 cống đặt sát đáy mương để tháo và cung cấp nước. Hệ thống mương bao rất quan trọng đây sẽ là nơi cư trú của cá lúc nhiệt độ cao, khi phun thuốc cho lúa, thu hoạch cá…Mương nuôi cá có kích cỡ từ 2 – 3m, sâu từ 1 – 1,5m dốc về phía cống, tổng diện tích mương so với ruộng là 15 – 25%.
Cải tạo ruộng nuôi: Việc chuẩn bị ruộng để trồng lúa vẫn được tiến hành bình thường. Riêng đối với mương bao cần phải tát cạn nước, sên vét bùn, bón vôi với liều lượng 7 – 10kg/100m2, phơi đáy như chuẩn bị ao nuôi. Mật độ nuôi cá trong ruộng lúa là 1 – 3con/m2, những loài cá thích hợp để nuôi trong ruộng lúa như: trắm cỏ, mè vinh, rô phi, chép… Nuôi cá trong ruộng lúa thức ăn chủ yếu là thức ăn tự nhiên, chỉ bổ sung thêm lượng thức ăn 2 – 3% trọng lượng cá/ngày. Thường xuyên theo dõi ruộng nuôi, lấp các hang hốc và lỗ mọi để tránh thất thoát cá. Ngoài ra việc nuôi cá trong ruộng lúa cũng cần chú ý vài vấn đề sau:
– Khi bón phân cho lúa đặc biệt là khi bón đạm urê, trước khi bón thường phải tháo nước trong ruộng, phân bón chứa lượng NH4+ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cá, để giải quyết điều này cần bón xen kẽ, bón 2 lần, mỗi lần bón 1 phần ruộng để cá có nơi cư trú, hoặc tháo cạn nước cho cá rút xuống mương bao, sau khi bón phân 1 – 2 ngày lại cho nước vào ruộng như vậy sẽ không ảnh hướng đến cá nuôi.
– Ruộng lúa có nuôi cá, sâu hại giảm đi nhiều nhưng không thể diệt hoàn toàn vì vậy vẫn cần sử dụng thuốc trừ sâu, đa số thuốc trừ sâu rầy đều độc với cá, vì thế khi sử dụng thuốc phun cho lúa cần chú ý: chọn những loại thuốc ít độc và sử dụng đúng liều; trước khi phun thuốc phải khơi thông mương hoặc tạo dòng chảy nhẹ để cá có thể tránh.
Trong tình hình dịch rầy nâu phức tạp như hiện nay, nuôi cá trong ruộng lúa được coi là một phương pháp phòng trị rầy nâu hiệu quả và không tốn kém, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và tăng thu nhập cho người nuôi.