ThienNhien.Net – Hàu Thái Bình Dương (TBD) (<i>Crassostrea gigas</i> Thunberg, 1793) có nguồn gốc từ Nhật Bản, có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng phân bố rộng. Đây là đối tượng nuôi quan trọng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao. Hiện nay hàu TBD đã được nuôi ở 64 nước trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada…Chưa có loài thuỷ sản nào có sản lượng tăng nhanh và lớn như hàu Thái Bình Dương. Năm 1950 tổng sản lượng hàu thế giới là 150.000 tấn, năm 1970 tăng lên 437.000 tấn, 1990 là 1,2 triệu tấn, năm 2000 là 3,9 triệu tấn và năm 2003 đạt 4,38 triệu tấn. Sản lượng hàu có xu hướng tăng mạnh trong những năm tới.
Việt Nam không có loài hàu này phân bố tự nhiên, do vậy so với các loài hàu bản địa và động vật thân mềm khác đang được nuôi ở nước ta, hàu TBD có những ưu việt hơn như kích thước và khối lượng cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn; thịt hàu tươi là thực phẩm quý, có giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, chất béo thấp, không chứa các cholectoron xấu, giảm nguy cơ tim mạch, tăng cường sinh lực cho nam giới, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Hàu có vỏ mỏng, ruột nhiều, vị đậm đà, không có mùi tanh, đa dạng trong chế biến và có giá trị lớn trong y dược. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO, 2003), nghề nuôi hàu đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, không phải cho ăn, quy mô đa dạng, sức sinh sản lớn là yếu tố quan trọng để sản xuất giống đại trà. Ngoài ra hàu có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái thuỷ vực, nó có tác dụng làm sạch môi trường nước tốt. Đến nay hàu TBD được xem là đối tượng lý tưởng để thay thế các loài hầu bản địa.
Hàu TBD là loài có kích thước lớn nhất trong các loài hàu có trên thế giới, con lớn nhất được phát hiện có chiều dài 76cm (20 tuổi). Hàu TBD có hình dạng giống với hàu cửa sông có tỷ lệ chiều cao và chiều dài lớn hơn từ 1/2 đến 1/3 hàu cửa sông. Hàu thành thục có kích thức từ 8-15cm, vỏ hàu tương đối lớn nhưng không đồng đều về hình dạng (vỏ dài hoặc hình ô van), vỏ trái lõm hơn vỏ phải, khi trưởng thành thường sống cố định, bám vào bất kỳ vật thể cứng nào như đáy cứng, đá, những vỏ hầu, san hô chết…ở khu vực thuỷ triều nước giữa mức thuỷ triều cao và thấp khoảng 3m hoặc ở giữa vùng nước nông. Hàu TBD là loài ăn lọc thụ động, chúng bắt mồi trong quá trình hô hấp dựa vào cấu tạo đặc biệt của mang. Ở vùng nhiệt đới nhiệt độ ấm nên tốc độ sinh trưởng của hàu rất nhanh và quá trình sinh trưởng diễn ra quanh năm.
Nhận thấy vai trò và những giá trị nổi bật của hàu TBD, trong năm 2007 Việt Nam kết hợp với Công ty Khoa học kỹ thuật thuỷ sản Pauchen Đài Loan, chuyên gia Cục thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ khảo sát một số khu vực tại vùng vịnh Bái Tử Long – Quảng Ninh. Đoàn đã xác định vùng này có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi hàu TBD đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào nhiều thị trường kể cả Mỹ và EU.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I phối hợp với Công ty Đầu tư và phát triển sản xuất Hạ Long-Quảng Ninh đã nhập giống hàu TBD từ Đài Loan về nuôi thăm dò tại vịnh Bái Tử Long. Hàu TBD nuôi tại vịnh có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, trong thời gian 8 – 10 tháng nuôi hàu đã đạt kích cỡ thương phẩm trung bình từ 65-75mm/con, trọng lượng từ 70-80g/con và tỷ lệ sống đạt từ 54-63%. Trong khi đó ở các nước khác phải nuôi từ 18-30 tháng mới đạt kích cỡ thương phẩm. Để nuôi 2,5 tấn hàu chỉ cần đầu tư 01 bè nuôi bằng tre hoặc gỗ bạch đàn. Tổng đầu tư ban đầu khoảng 7-10 triệu đồng sẽ thu được lợi nhuận từ 15-20 triệu, giá bán hàu thịt tại Quảng Ninh hiện nay dao động 65.000-80.000đ/kg.
Do hàu TBD không phân bố tự nhiên ở Việt Nam nên việc nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào con giống sản xuất nhân tạo. Vì vậy, đưa ra các giải pháp nuôi thích hợp, nuôi tập trung với con giống từ sản xuất nhân tạo cũng cần được quan tâm nhằm đưa nghề nuôi hàu TBD ở nước ta phát triển mạnh, tạo ra sản lượng lớn để xuất khẩu. Hiện nay Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 đang thực hiện đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg 1793) phục vụ xuất khẩu.
Hy vọng rằng với sự thành công của Đề tài sẽ đưa thêm một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho nghề nuôi biển Việt Nam, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ven biển.