Phát triển làng sinh thái: Hướng đi mới của du lịch Thủ đô

ThienNhien.Net – Vào những dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày tết, người dân các tỉnh thành lân cận thường đổ về Hà Nội để vui chơi và hoà nhịp vào không khí sôi động, cũng như các dịch vụ tiện lợi, phong phú nơi thành thị, thì một dòng chảy trái chiều của người dân Hà Nội lại đổ về các tỉnh thành bạn để tận hưởng không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên của những miền quê mát mẻ, tươi mát… Còn khách du lịch nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội thường chỉ coi đây là một điểm dừng chân, một chặng nghỉ trên hành trình đến với những khu du lịch, những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của đất nước như: Sapa, Hạ Long, Phong Nha, Huế … nơi yếu tố cảnh quan, thiên nhiên và môi trường là điểm mạnh, có sức hút đối với du khách.

Trước thực tế đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã xác định mục tiêu phát triển ngành du lịch là: “Nâng cao chất lượng và phát triển đồng bộ ngành du lịch; phát triển du lịch văn hoá sinh thái, du lịch truyền thống, du lịch lễ hội, du lịch kinh doanh… kết hợp tốt giữa du lịch văn hoá với tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, giữa phát triển các sản phẩm du lịch với quảng bá truyền thống, lịch sử, văn hoá Thăng Long, Hà Nội”.

Để khai thác tiềm năng về cảnh quan tự nhiên của các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội phục vụ phát triển loại hình du lịch sinh thái, Trung tâm Bảo vệ môi trường và Qui hoạch phát triển bền vững đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu phát triển các làng sinh thái phục vụ du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị Hà Nội bền vững”.

Tuy mới có mặt ở nước ta, nhưng du lịch sinh thái đã nhanh chóng chiếm vị trí và chỗ đứng trong các loại hình du lịch. Không chỉ đơn thuần là những tuor tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái còn là cơ hội để du khách tìm hiểu các vùng thiên nhiên, có đa dạng sinh học và còn hoang sơ, giữ được tương đối vẹn toàn bản sắc văn hoá bản địa của các cộng đồng dân cư sở tại.

Mặc dù xu thế đi du lịch sinh thái ngày càng lớn và là nhu cầu không thể thiếu được của nhiều lữ hành du lịch từ các đô thị, từ các nước trên thế giới, nhưng hiện tại ở Việt Nam, các làng bản có đủ điều kiện để tổ chức du lịch sinh thái thường ở vị trí xa các đô thị và chưa tiện lợi cho các chuyến du lịch theo nhu cầu ngắn ngày, trong ngày và đôi khi một vài giờ trong ngày. Do đó, xây dựng làng sinh thái phục vụ du lịch đang ngày càng phát triển ở khắp nơi trong cả nước.

Làng có thể là một địa danh hành chính làng cổ truyền, làng mới, làng sở tại. Làng có thể chỉ là một khu nhỏ, được tổ chức quản lý chặt chẽ. Với một thiết chế như vậy, loại hình làng sinh thái có ở khắp nơi, nhất là tại khu vực ngoại vi các đô thị. Tại Hà Nội, khá nhiều làng sinh thái có thể khai thác phục vụ du lịch, tập trung ở các huyện Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm và các vùng lân cận ở Hà Tây, Hà Đông, Hoà Bình… Đây là các điểm có cự ly gần, cơ sở hạ tầng tốt, có thể phục vụ nhu cầu du lịch của nhân dân Hà Nội trong 1, 2 ngày nghỉ rất tiện lợi.

Theo TS.KTS Đặng Trường Thành, chủ nhiệm đề tài, việc đưa con người đến với thiên nhiên, mà tiêu biểu là tới những di sản thiên nhiên, tới những khu vực tự nhiên có hệ sinh thái điển hình toàn cầu để trực tiếp có cảm nhận về giá trị tự nhiên của môi trường là hình thức tuyên truyền giáo dục tốt nhất. Và, du lịch sinh thái có thể ảnh hưởng đến du lịch đại chúng, làm cho toàn bộ các phần còn lại của ngành du lịch áp dụng theo các nguyên tắc bền vững và hoạt động bền vững hơn, có trách nhiệm hơn. Đặc biệt, có giá trị về giáo dục môi trường cảnh quan thiên nhiên và giáo dục về giá trị văn hoá cộng đồng.

Thông qua kết quả điều tra, đánh giá thực trạng và tiềm năng làng sinh thái phục vụ du lịch, đề tài đã xem xét đến tất cả các khía cạnh từ điều kiện môi trường sinh thái tự nhiên đến cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất môi trường sinh thái xã hội-nhân văn, lịch sử văn hoá, những lễ tết, lễ hội dân tộc đặc trưng của các địa phương thuộc vùng Hà Nội. Từ đó đưa ra đánh giá tổng quan kết quả khai thác, vận hành sử dụng môi trường sinh thái xung quanh Hà Nội phục vụ du lịch, thực trạng tổ chức khai thác các làng văn hoá truyền thống, làng nghề, khu làng sinh thái nông nghiệp, khu quán khai thác sinh thái, cụm các điểm du lịch mang tính chất sinh thái phục vụ du lịch

Trên cơ sở đó đề tài đã đúc rút khó khăn, thuận lợi, bài học kinh nghiệm trong tổ chức làng sinh thái phục vụ du lịch và dự báo nhu cầu xã hội, động lực phát triển làng sinh thái phục vụ du lịch, xác định mối liên quan giữa vùng làng sinh thái với các vùng xung quanh, xây dựng định hướng phát triển du lịch làng sinh thái phục vụ du lịch trên cơ sở phục vụ du lịch thành phố.

Một trong những thành công của đề tài là nghiên cứu đề xuất mô hình làng sinh thái phục vụ du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững. Xuất phát từ quan điểm làng sinh thái phải bảo đảm và hội tụ đầy đủ những yếu tố cơ bản, thiết yếu và quan trọng, xác định rõ ràng hướng ưu tiên phát triển và các thành phần tham gia nhóm nghiên cứu đã đề xuất 2 mô hình: mô hình làng sinh thái tự nhiên (gồm Làng sinh thái lâm nghiệp, Làng sinh thái nông nghiệp, Làng sinh thái nông lâm kết hợp) và mô hình tổ chức không gian làng sinh thái nhân văn-làng nghề phục vụ du lịch.

Đề tài đã tổng hợp và đưa ra hệ thống các giải pháp để vận hành tốt các mô hình trên gồm các giải pháp về qui hoạch hạ tầng, kiến trúc công trình, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các giải pháp về môi trường…

Từ những cơ sở lý thuyết ở trên đề tài đã lựa chọn, áp dụng mô hình “Làng sinh thái nông lâm kết hợp” tại làng sinh thái du lịch Đình Phú, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Đây là làng có hệ sinh thái nông lâm phong phú mới được hình thành, phát triển từ một đội sản xuất của nông trường Sóc Sơn thuộc địa phận phía bắc xã Minh Phú.

Theo qui hoạch chung huyện Sóc Sơn đến năm 2020, làng Đình Phú nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của vùng xã Minh Phú, nằm trong quần thể các làng xã sinh thái du lịch điều dưỡng của thành phố Hà Nội, nằm chân dãy núi Tam Đảo.

Với tiềm năng tự nhiên và sự năng động sáng tạo, làng Đình Phú sẽ phát triển tốt, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành làng đa hệ sinh thái nông lâm kết hợp phục vụ cho nhu cầu du lịch của thành phố trong thập kỷ tới. Đây là hướng đi nhiều triển vọng đối với những làng thuần nông, thuần lâm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nhưng có hệ sinh thái phong phú như làng Đình Phú.