ThienNhien.Net – Tổ chức Nông lương Quốc tế – FAO đã từng thuyết phục các nhà hoạch định chính sách đưa nông nghiệp vào các cuộc đàm phán về hiệp ước mới chống biến đổi khí hậu thay thế nghị định thư Kyoto năm 1997. Thực tế cho thấy nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển có thể giữ vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu sự phát thải các khí nhà kính.
Khả năng giảm thiểu biến đổi khí hậu của đất nông nghiệp chưa được khai thác triệt để
Alexander Muleller – Phó tổng giám đốc FAO đã phát biểu tại cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc về tương lai của một thoả thuận quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Bonn: “Đất nông nghiệp có khả năng lưu trữ Cacbon. Chính vì thế, nông dân, đặc biệt là nông dân ở các nước nghèo, nên tham gia vào hoạt động lưu trữ cacbon nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Ngành nông nghiệp chiếm khoảng 14% lượng khí nhà kính phát thải trong khi sự chuyển đổi đất nông nghiệp, phá rừng cho các mục đích khác chiếm khoảng 17%.
Ông Mueller quan ngại rằng trong khi nông nghiệp đang góp phần phát thải khí nhà kính, những người nông dân và gia đình của họ, đặc biệt là ở các nước nghèo sẽ trở thành nạn nhân của sự biến đổi khí hậu. Việc này khiến điều kiện sống xuống cấp, nạn đói và suy dinh dưỡng tăng lên. Các cộng đồng nông thôn sống dựa vào nông nghiệp trong môi trường suy thoái sẽ phải đối mặt với rủi ro trực tiếp do mùa màng thất bát, chăn nuôi thua lỗ. Phần lớn rủi ro này xảy ra với những người dân sống dọc theo bờ biển, vùng ngập lũ, vùng đồi núi, các vùng đất khô hạn và Bắc Cực.
Điều đó lý giải tại sao nông nghiệp cần được đề cập đến trong các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện tại, các cơ chế tài chính theo nghị định thư Kyoto chỉ cho phép một phần rất nhỏ khả năng tiềm ẩn trong giảm thiểu biến đổi khí hậu của nghành nông nghiệp được hiện thực hóa, và điều đó là chưa đủ, Mueller ghi nhận.
Nông nghiệp – nguồn phát sinh và giảm thiểu khí cacbon
Trồng trọt và chăn nuôi cũng gây phát thải khí nhà kính vào khí quyển, như khí metan từ gia súc và các vùng đất ngập nước, đặc biệt từ các cánh đồng lúa, nitơ oxit từ sử dụng phân bón, cacbon từ phá rừng và thoái hoá đất.
Sử dụng đất trồng trọt thiếu bền vững như chuyển đổi mục đích sử dụng đất (phá rừng) và gây thoái hoá đất là nguyên nhân khiến tăng lượng phát thải cacbon vào khí quyển, góp phần gây ra sự ấm lên toàn cầu.
Sự phát thải khí nhà kính hàng năm từ sản xuất nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên trong các thập niên tới do nhu cầu thực phẩm tăng, chế độ ăn uống thay đổi.
Theo Mueller, hàng triệu nông dân trên khắp thế giới có thể trở thành những nhân tố giúp đỡ, góp phần tạo nên sự thay đổi trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Bằng cách lưu trữ lượng cacbon cao hơn trong đất, người nông dân có thể giúp giảm thiếu lượng khí cacbon dioxit trong không khí, nâng cao khả năng phục hồi của đất và làm tăng sản lượng mùa vụ.
Giảm cày cấy, tăng chất hữu cơ trong đất, tăng độ che phủ đất, cải thiện quản lý đồng cỏ, phục hồi các vùng đất thoái hoá, trồng thêm nhiều cây, thay đổi thức ăn cho gia súc và sử dụng bền vững nguồn đa dạng gen động vật, sử dụng phân bón hiệu quả, cải thiện công tác quản lý nước và ngũ cốc chính là những sự lựa chọn mà người nông dân có thể áp dụng nhằm giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Mueller cho rằng, cần đầu tư quy mô lớn cho nông nghiệp nhằm thay đổi các phương thức sản xuất không bền vững, đào tạo nông dân bằng việc thực hành giảm thiểu biến đổi khí hậu. Sự đầu tư này sẽ giúp cho ngành nông nghiệp nâng cao khả năng thích nghi trước biến đổi khí hậu và đồng thời cải thiện năng suất cũng như sự bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xoá đói giảm nghèo.
Thiếu cơ chế ưu đãi cho nông nghiệp trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu
Hiện nay các cơ chế tài trợ vốn trên toàn cầu như cơ chế phát triển sạch theo nghị định thư Kyoto là không đủ cũng như không mang lại sự ưu đãi, khuyến khích người nông dân tham gia vào hoạt động giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ví dụ, sự lưu trữ Cacbon trong đất, qua đó gần 90% khả năng tiềm ẩn giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua nông nghiệp có thể hiện thực hóa, lại nằm ngoài phạm vi của cơ chế phát triển sạch theo nghị định thư. Biến đổi khí hậu không được giảm thiểu đồng nghĩa với không có an ninh lương thực, không có sự phát triển bền vững và lợi ích kinh tế từ đó.
Thị trường cacbon đã tạo điều kiện cho nhà nước và tư nhân ở các quốc gia phát triển mua lại hạn ngạch giảm thải cacbon nhờ nông nghiệp từ các quốc gia đang phát triển. Điều này được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn đầu tư quan trọng khuyến khích phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững ở các quốc gia đang phát triển.