ThienNhien.Net – Theo số liệu phân tích của Trung tâm Y học thuộc Đại học Rochester công bố tháng 01/2009, chất hoá học đang gây tranh cãi Bisphenol A (BPA) có thể tồn tại trong cơ thể con người lâu hơn so với kết luận những nghiên cứu trước đây. Ngoài ra, theo nghiên cứu mới, chất này còn có thể xâm nhập vào máu qua nhiều nguồn hơn là thức ăn.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Rochester đã đưa ra một số nguồn có thể gây phơi nhiễm BPA bao gồm ống nhựa, bụi trong các giấy phi các bon như các tờ hoá đơn tiền mặt.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, bà Sarah Jassen, một nhà khoa học thâm niên ở San Francisco, hiện công tác tại Hiệp hội Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên Mỹ (NRDC) phát biểu: “Đó là một công bố đáng chú ý. Tuy chưa phải là kết luận cuối cùng, nhưng nếu chất BPA trú ngụ lâu hơn trên cơ thể người, thì nguy cơ nhiễm độc là rất lớn. Và nếu BPA xâm nhập vào từ các nguồn khác ngoài thức ăn, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm để tìm ra ra nguồn gốc của nó.”
Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACC) tại Arlington, Virginia đã từ chối bình luận về kết quả của nghiên cứu. Nhưng trong một bài báo trên website của tổ chức này, ông Steve Hengtes, trưởng nhóm nghiên cứu của ACC về Poly Carbonate/BPA toàn cầu đã cho rằng kết luận của nghiên cứu mang tính suy diễn và rằng nồng độ BPA phát hiện trong nghiên cứu không liên quan tới sức khỏe.
Canada là quốc gia đầu tiên có những động thái nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác hại của BPA. Tháng 10 năm ngoái ngành y tế Canada đã thông báo sẽ đưa ra một dự thảo nghiêm cấm nhập khẩu và bán những bình sữa trẻ sơ sinh có chứa BPA, bất chấp việc chúng đã được chứng minh là có hàm lượng BPA ở ngưỡng an toàn. |
Một vài thí nghiệm trên chuột từng cho thấy sự liên quan của chất BPA đến những khuyết tật trong sinh sản như gây thiếu cân, ung thư, dậy thì sớm hay một số vấn đề sức khoẻ khác. Chính vì vậy nghiên cứu mới này càng làm bùng lên cuộc tranh cãi về độ an toàn của BPA và về thái độ bình chân của Hiệp hội Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khi cho rằng chưa cần thiết có một quy định điều chỉnh lại các thành phần hóa học trong thực phẩm.
Đó là lập trường mà FDA đã khẳng định lại một lần nữa vào tháng 12 năm ngoái, bất chấp những áp lực từ phía Quốc hội và sự chỉ trích dữ dội từ uỷ ban khoa học trực thuộc. FDA cho rằng chưa có đủ số liệu để đưa ra một lệnh cấm, và thay vào đó họ sẽ nghiên cứu sâu hơn về nồng độ phơi nhiễm tích tụ mà một người phải gặp phải từ các nguồn khác nhau có chứa BPA bao gồm bao bì thực phẩm, đồ uống, vỉ thuốc và các dụng cụ y tế bằng nhựa như ống tiêm hay ống truyền…
Các phân tích của ba nhà khoa học thuộc Đại học Rochester dựa trên các số liệu năm 2003 – 2004 lấy từ cuộc điều tra sức khoẻ và dinh dưỡng quốc gia do Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh thực hiện nhằm xác định xem liều lượng của BPA có giảm nếu nhịn ăn không. Vì các nghiên cứu trước đây cho rằng sự phơi nhiễm BPA đầu tiên là qua đường thức ăn.
Các nhà nghiên cứu lấy 1469 mẫu nước tiểu của người lớn và so sánh liều lượng BPA trên thời gian mà người đó nhịn đói. Kết quả đã được công bố trên tờ tạp chí điện tử Environmental Health Perspectives.
Trưởng nhóm tác giả công trình nghiên cứu, Richard Stahlhut, phó tiến sĩ, viện sĩ Trung tâm Khoa học Sức khoẻ Môi trường thuộc Trung tâm Dược phẩm Đại học Rochester cho biết: “Liều lượng BPA không hề giảm một cách nhanh chóng trong quá trình nhịn ăn ở những mẫu thí nghiệm này. Những gì chúng ta biết không hẳn đã đúng”.
Theo Stahlhut, những nghiên cứu trước đây cho rằng BPA chuyển hoá hoàn toàn trong vòng 24h và các mức độ của chúng sẽ giảm một nửa trong vòng 4 đến 6 giờ song những phân tích của họ lại cho thấy nồng độ của BPA có giảm, nhưng chỉ giảm sau tám tiếng và không hề biến mất.
Những đánh giá về nguy cơ của BPA trước đây, phần lớn dựa trên những cơ sở cho rằng thức ăn là nguồn chính, nếu không phải nguồn duy nhất gây phơi nhiễm BPA và rằng BPA sẽ nhanh chóng được bài tiết sau khi phơi nhiễm.
Song, Stahlhut cho biết các phân tích đã xác định sự phôi nhiễm, tích trữ BPA khá nghiêm trọng từ các nguồn khác ngoài thức ăn vào các mô trong cơ thể như mô mỡ. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Tuy nhiên, bản báo cáo nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc cần thiết có thêm nhiều cuộc nghiên cứu lớn hơn do sự giới hạn của một cuộc nghiên cứu nhỏ với những hạn chế về điều kiện thực hiện, thông số và đối tượng đo lường.
Bà Jassen thuộc NRDC tỏ ý đồng tình với ý kiến về việc mở rộng cuộc nghiên cứu. Mặc dù theo bà: “Cuộc nghiên cứu cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn phơi nhiễm tiềm ẩn của BPA, bao gồm cả câu hỏi liệu nó có trong chất gây ô nhiễm không khí trong nhà hay thậm chí cả hoá đơn tính tiền hay không”.
Janssen biểu lộ mối lo ngại về việc rất nhiều vỏ hộp thức ăn bằng thép có lớp lót được làm từ BPA, đặc biệt là sản phẩm cà chua nguyên chất đóng hộp và mì ống, bởi vì không có chất thay thế nào khác ngoài BPA làm lớp lót cho những thực phẩm này.
Theo bà, mọi người không ai biết được chất gì được dùng làm lớp lót trong những hộp thực phẩm của họ. Mặc dù theo Liên minh bao bì kim loại Bắc Mỹ, chất BPA là thành phần có trong 90% lớp vỏ epoxy bên trong các hộp thức ăn ở Mỹ.
Nhà sản xuất các thực phẩm hữu cơ Eden Foods Inc của Clinton bang Michigan đã bán lớp lót không chứa BPA của họ trong sản phẩm đậu Hà Lan sản xuất bởi Ball Corp. Những hộp này được lót với một lớp men tráng bằng dầu thực vật, được lấy từ nhựa cây thông hoặc cây linh xam.
FDA vẫn chưa đả động gì đến đơn kiến nghị của NRDC để ban hành một lệnh cấm sử dụng chất BPA trong bao bì thực phẩm.
Tháng 11/2008, thẩm phán toà áo tối cao bang New Jersey, Connecticut và Delaware đã gửi thư tới 11 cơ sở sản xuất các đồ dùng cho trẻ sơ sinh yêu cầu họ dừng ngay việc sử dụng chất BPA trong sản xuất bình sữa trẻ em và các vật dụng cho trẻ sơ sinh khác. Nhà phân phối lớn về bán lẻ Wal-mart và Hãng đồ trẻ em nổi tiếng Toys R Us cũng cho biết họ sẽ dừng bán những sản phẩm bình sữa trẻ em có chứa chất BPA trong năm nay.