Hà Nội: Đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010

ThienNhien.Net – Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 34/KH-UBND về việc triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và Kế hoạch số 35/KH-UBND về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Tháng hành động vì chất lượng VSATTP được thực hiện từ 15/4 đến 15/5/2009 trên toàn TP Hà Nội với các nội dung:

– Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về VSATTP và xây dựng hệ thống tổ chức quản lý VSATTP.

– Giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

– Đẩy mạnh công tác thông tin và giáo dục truyền thông về VSATTP tại cộng đồng.

– Quy hoạch và phát triển vùng rau và chăn nuôi an toàn.

– Xây dựng quy hoạch mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm an toàn và mạng lưới cửa hàng, gian hàng bán thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

– Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm nghiệm VSATTP.

– Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về VSATTP.

– Tăng cường hoạt động liên ngành trong công tác đảm bảo VSATTP.

– Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật.

– Tăng cường hợp tác về lĩnh vực VSATTP.

– Nâng cao mức đầu tư cho VSATTP từ Thành phố đến xã phường.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai, tổ chức hoạt động của ban chỉ đạo liên ngành; các quy định của pháp luật về đảm bảo VSATTP; công tác tuyên truyền, giáo dục; công tác thanh, kiểm tra các cấp;

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm: kiểm tra việc thực hiện pháp lệnh VSATTP, Nghị định 163/2004/NĐ-CP ngày 7/9/2004 của Chính phủ, các quy định và thông tư liên tịch của Bộ Y tế và các Bộ liên quan.

Trên cơ sở các nội dung trên, UBND Thành phố cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị:

– Sở Y tế: Kiểm tra các quy định pháp lý của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; điều kiện vệ sinh ở các cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ chứa, đựng sản phẩm; các nguyên liệu và chất phụ gia, đường hoá học, phẩm màu… đưa vào sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; quy định vệ sinh bao bì; lấy mẫu xét nghiệm…

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố, các chốt dịch; kiểm tra rau quả tại các chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh, lấy mẫu xét nghiệm; kiểm tra cơ cơ sở sản xuất, kinh doanh thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và việc sử dụng thức ăn chăn nuôi.

– Sở Công Thương: Kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP hàng hoá lưu thông trên thị trường; các nhãn mác sản phẩm; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

– Sở Giáo dục – Đào tạo: Kiểm tra VSATTP tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú

– Công an Thành phố: Kiểm tra quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn Thành phố.

– Các ban, ngành, đoàn thể khác: phối hợp kiểm tra, giám sát, tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện VSATTP.

Công tác thanh, kiểm tra được triển khai từ cấp Thành phố đến cấp quận, huyện, xã, phường.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm: Nâng cao nhận thức, thực hành và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về VSATTP; Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm VSATTP tại các cấp, các ngành; Thiết lập hệ thống kiểm soát ô nhiễm thực phẩm đồng bộ từ sản xuất đến lưu thông và giám sát ngộ độc thực phẩm; Xây dựng chương trình phân tích và quản lý nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Từng bước áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VSATTP theo hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát trọng điểm.