Nâng cao vai trò các tộc người bản xứ trong đàm phán về khí hậu

ThienNhien.Net – Trong khi đại diện các tộc người bản xứ từ khắp nơi trên thế giới nhóm họp tại thành phố Anchorage, bang Alaska, Mỹ nhằm tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu, chính sự ấm lên nhanh chóng của Bắc Cực đang buộc một số ngôi làng của tộc người cổ Inuit phải di rời đi nơi khác.

Các hoạt động của con người như đốt cháy nguyên liệu hóa thạch cho công nghiệp và giao thông vận tải cùng với khí thải từ qui trình chăn nuôi gia súc và chặt phá rừng đã phát thải quá mức các khí nhà kính như cacbon dioxit hay methan nguyên nhân chính gây nên hiệu ứng nhà kính, hiện tượng dẫn đến biến đổi khí hậu. Hiện tượng này đang ảnh hưởng đến toàn cầu và các tộc người bản xứ là một trong những đối tượng đầu tiên chịu tác động của nó.

Khoảng 400 người bản xứ, trong đó có cả Tổng thống Bolivia Evo Morales và các quan sát viên từ 80 quốc gia đã có mặt tại thành phố Anchorage tham dự Hội nghị thượng đỉnh Toàn cầu của Liên Hợp Quốc về vấn đề liên kết người bản xứ trong biến đổi khí hậu, diễn ra từ ngày 20 đến 24 tháng 4.

Hội nghị đã thảo luận và tổng hợp các kiến thức truyền thống có thể sử dụng để đồng thời thích nghi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị, bà Patricia Cochran, chủ tịch Hội đồng người Inuit vùng cực, đồng thời là Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh này nhấn mạnh “Các tộc người bản xứ tác động ít nhất tới biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng chắc chắn họ sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ những tác động của nó.”

Theo bà, những người bản xứ là những người đi đầu và cũng chính là những chuyên gia khi tham gia vào cuộc tranh luận về khí hậu. Bất cứ một cuộc đối thoại hay vòng đàm phán nào cũng sẽ có giá trị và hiệu quả hơn khi có sự tham gia của họ.

Bà Victoria Tauli-Corpuz, một nhà lãnh đạo người bản xứ từ đất nước Philippin, hiện là chủ tịch Diễn đàn Thường trực về các vấn đề Người Bản Xứ của Liên Hiệp Quốc cũng phát biểu: “Chúng tôi có hàng thế kỉ kinh nghiệm trong việc thích nghi với khí hậu và lối sống truyền thống của chúng tôi có rất ít dấu vết của cacbon”.

Một ngôi làng ở Newtok, cách thành phố Anchorage khoảng 800km về phía đông là một trong số nhiều ngôi làng phải di rời do tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình tăng cao, lưu lượng dòng chảy của các con sông tăng và sự tan chảy những tầng đất đóng băng vĩnh cửu đang phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng, buộc hơn 320 người địa phương phải rời chỗ ở tới khu vực cao hơn cách 15 km về phía Tây. Thiệt hại ước tính khoảng 10 triệu USD.

Năm khu định cư khác của người Inuit ở Alaska cũng đang cần di dời cấp bách, trong đó bao gồm khu Shishmaref (dân số khoảng 560 người) và khu Kivalina (dân số khoảng 377 người). Ở các khu vực này, những con sóng lớn vào mùa thu không còn bị chặn lại bởi những dải băng ở bờ biển nữa khiến bờ biển bị sói mòn nghiêm trọng. Hàng tá những khi định cư tương tự đang có nguy cơ bị đe dọa.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Sam Johnston thuộc Đại học Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Tokyo, một trong những nhà tài trợ cho Hội nghị cho biết, theo Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất như Bắc Cực, vùng biển Caribe và Amazon là nơi mà hầu hết người bản xứ đang sinh sống. Trên toàn thế giới hiện nay có ít nhất là 5000 tộc người bản xứ được xác định trên hơn 70 quốc gia với tổng dân số ước tính khoảng 300 đến 350 triệu người trên toàn cầu, đại diện cho khoảng 6% dân số nhân loại.

Ông Johnston nói: “Do sự gắn bó về văn hóa và tinh thần lâu đời với đất đai, đại dương và đời sống tự nhiên, những người bản xứ có rất nhiều đề xuất, đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn. Thế giới mang ơn những người bản xứ và thế giới phải dành sự lưu ý hơn nữa đến quan điểm và những kiến thức truyền thống được đúc kết qua thời gian của những cộng đồng này.

Mục tiêu chính của Hội nghị nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng người bản xứ và liên kết các thông điệp cùng các khuyến cáo của họ để đệ trình lên Hội nghị của các nhóm đàm phán về Hiệp định khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNCCC) tại Copenhagen, Đan Mạch vào cuối năm nay, nơi các chính phủ sẽ thỏa thuận một bản hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto và thiết lập một qũy thích nghi để giúp các quốc gia nghèo.

Hội nghị thượng đỉnh những người bản xứ đã kết thúcvới một bản tuyên bố và kế hoạch hành động cùng lời kêu gọi chính phủ các nước quan tâm một cách đầy đủ đến những người bản xứ trong bất kì đề xuất nào cho bản hiệp định thay thế Nghị định thư Kyoto tại Copenhagen vào cuối năm nay.

Hiện nay những người bản xứ không có một vai trò chính thức nào trong những cuộc đối thoại về khí hậu mặc dù những người đại diện bản xứ cũng là một phần trong phái đoàn của Bolivia tham gia một loạt các cuộc họp về khí hậu trước đó diễn ra tại Bonn, Đức.

Bà Tauli-Corpuz phát biểu: Đúng ra những người bản xứ phải có vai trò cố vấn chính thức như họ từng có với Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc. Song đáng tiếc là không một chính phủ nào sẵn sàng thúc đẩy điều này cho Hiệp định khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc”

Bản tuyên bố Anchorage sẽ được kí bởi Tổng thống Evo Morales, người gốc bộ tộc Aymara; ông Miguel d’Escoto Brockmann, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Nghị sĩ người Đan Mạch ông Juliane Henningsen, đại diện cho Greenland.

Những vấn đề như hạn chế nạn phá rừng và tăng cường trồng cây gây rừng có thể có những tác động cơ bản đối với những người bản xứ, và nó thể hiện sinh động rằng quyền của người bản xứ được công nhận và trân trọng trong bất cứ một bản thỏa thuận về khí hậu được thông qua nào.

Tuy nhiên Johnston bày tỏ lo ngại rằng những cuộc đối thoại song phương, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kì, đang là chủ đề nóng hàng đầu trong lần gặp mặt tại Copenhagen này, có thể sẽ đẩy vấn đề liên quan đến người bản xứ ra bên lề.