ThienNhien.Net – Đại diện các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam đã nhất trí thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam vì sự Phát triển Bền vững (VBCSD) tại cuộc họp tham vấn các bên liên quan tổ chức ngày 24/02/2009. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) là một trong những đơn vị hỗ trợ xây dựng sáng kiến này.
“Doanh nghiệp có thể được lợi nếu chú ý đến khía cạnh môi trường trong hoạt động kinh doanh vì điều này giúp cải thiện danh tiếng của doanh nghiệp, nhưng sự chú ý này phải được hướng vào hành động”, Ông Aidan Lynam, Tổng Giám đốc công ty Holcim Viet Nam Ltd. phát biểu.
Trong số các doanh nghiệp tham dự cuộc họp có đại biểu của 15 công ty đăng ký tham gia làm thành viên sáng lập VBCSD, một diễn đàn mang tính định hướng doanh nghiệp với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và các thực hành tốt, thử nghiệm các dự án về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Ông Võ Văn Mai, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty HIPT Group cho rằng có nhiều công ty muốn học hỏi các cách làm đã thành công trên thế giới để giải quyết các vấn đề về cộng đồng và môi trường nhưng thiếu thông tin và kiến thức cần thiết.
“Chúng ta cần nhiều hội thảo và tập huấn nâng cao năng lực để giới thiệu các vấn đề về phát triển bền vững cho doanh nghiệp vì đây là một vấn đề còn rất mới ở Việt Nam,” Ông Mai nói, đồng thời cũng gợi ý VBCSD nên sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và công chúng về mục tiêu hoạt động của mình.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp đã góp ý cho bản đề xuất thành lập VBCSD theo quan điểm của doanh nghiệp. IUCN cùng Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đồng soạn thảo bản đề xuất này và sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong giai đoạn đầu thành lập và hoạt động của Hội đồng. Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan đã bày tỏ sự quan tâm và khả năng tài trợ cho giai đoạn đầu sau thành lập. Tiếp theo, VBCSD sẽ huy động nguồn tài chính độc lập từ hội phí và các nguồn khác.
Các đại biểu dự họp cho rằng VBCSD nên xây dựng các hoạt động và dự án phù hợp với các ưu tiên về môi trường của chính phủ, và những khu vực kinh doanh không phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên cũng nên tìm cách chuyển đổi phương thức hoạt động cho thân thiện hơn với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thắng, phó chánh Văn phòng phát triển bền vững – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Chính phủ đã đặt ra yêu cầu phải gắn kết 3 trụ cột chính trong phát triển gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Số liệu từ các địa phương cho thấy chi tiêu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường chiếm tỷ lệ rất thấp so với chi tiêu cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, ba trụ cột này cần phải được kết hợp hài hoà để tăng tính hiệu quả tổng thể của nền kinh tế.”
Ông Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc Vinashin cho rằng, Hội đồng nên tập trung giải quyết các thách thức theo từng nhóm ngành nghề, có thể bằng cách thành lập các uỷ ban chuyên ngành.
“Chúng ta cũng có thể tham khảo các bài học kinh nghiệm từ các công ty quốc tế cùng ngành để định hướng”, ông Ánh nói.
Theo ông Gavin Smith của công ty đầu tư tài chính Dragon Capital, VBCSD cần có nhiều hơn nữa đại diện lãnh đạo cấp cao nhất của các doanh nghiệp. Và một cách để thu hút sự tham gia của họ là thuyết phục họ rằng xây dựng một chương trình hành động vì sự phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư ngắn hạn nhưng sẽ mang lại lợi ích về lâu dài.
“Chúng ta có thể thu hút họ chú ý thông qua việc giải thích rằng tính bền vững của một kế hoạch kinh doanh ít rủi ro tạo ra tiềm năng mang lại thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp.” Ông Gavin phát biểu.
Các đại biểu dự họp nhất trí cần thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam vì sư phát triển bền vững (VBCSD) càng sớm càng tốt, với sự dẫn dắt của 15 doanh nghiệp thành viên sáng lập và sự hỗ trợ của IUCN, VCCI và SNV. Dự kiến VBCSD sẽ được thành lập trong một vài tháng tới.