ThienNhien.Net – Những năm qua, huyện Hoài Nhơn, Bình Định luôn chú trọng xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng hiệu quả cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng đồng bộ; chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tạo cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái, bền vững.
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn là một trong những nội dung trọng điểm mà Ban Thường vụ Huyện ủy Hoài Nhơn chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao trình độ sản xuất tiên tiến, ý thức tự lực, tự cường và sáng tạo của nông dân để tương xứng với vai trò người làm chủ nông thôn mới; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là các thôn xa trung tâm xã, còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn huyện nhà.
Để làm được điều đó, huyện đã chỉ đạo tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đẩy mạnh bê tông hóa hệ thống cầu cống; đường liên xã, liên thôn. Nâng cấp các tuyến đường thôn, xóm gắn với công tác quản lý, sửa chữa hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo thông suốt, an toàn. Các tuyến đường Tam Quan – Hòai Châu; An Dinh – Vĩnh Phụng và 20 km đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn dự kiến sẽ bê tông hoàn tất trước năm 2010; đặc biệt ưu tiên các tuyến đường vào làng nghề, vào các khu trang trại, khu sản xuất hàng hoá tập trung.
Sau đó, huyện sẽ đẩy mạnh qui hoạch, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn đấu nối các trục đường phía Tây và phía Đông huyện. Mở rộng nâng cấp tuyến đường liên xã An Thái – Cửu Lợi; An Đông – Hòai Hương; Hòai Thanh Tây- Hòai Hương. Bê tông hoá các tuyến đường chính liên thôn, liên xóm, đảm bảo giao thông thông suốt trong các cụm dân cư nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Các công trình thủy lợi cũng được xây dựng mới và kiên cố hóa. Trước mắt, sẽ hoàn thành xây dựng mới các hồ Cẩn Hậu, Ông Trĩ; nâng cấp, sửa chữa hồ Mỹ Bình; đập ngăn mặn Công Lương; đập Sông Mới; kiên cố hóa 25 km kênh mương. Xây dựng kè chống sạt lở bờ Nam sông Lại Giang giai đoạn 2; trồng tre chống sạt lở một số đoạn xung yếu sông Lại Giang. Sau 2010 đến 2020, huyện tập trung đầu tư xây dựng mới đập dâng Lại Giang; nâng cấp, sửa chữa, nạo vét một số hồ chứa, đập bán kiên cố; Xây dựng 100 km kênh mương bê tông. Tu bổ, sửa chữa một số đoạn đê suối, đê sông Lại Giang; xây dựng hệ thống thoát lũ các vùng xung yếu để hạn chế thiệt hại, giảm nhẹ thiên tai.
Hiện nay, trên địa bàn huyện vẫn còn một số nơi sản xuất gây ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo từng bước di dời các cơ sở chế biến hải sản gây ô nhiễm nằm trong cụm dân cư vào các khu chế biến hải sản. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nâng cấp các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền hiện có. Tu sửa các bến neo đậu tàu thuyền phục vụ hậu cần tàu cá. Sử dụng có hiệu quả hệ thống cấp nước ngọt nuôi trồng thuỷ sản Hoài Mỹ-Hoài Hải. Bên cạnh đó, tăng cường công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn.
Hệ thống điện và thông tin-truyền thông cũng ngày càng phát triển rộng khắp, một mặt hoàn chỉnh để hạ thấp tỷ lệ tổn thất điện năng, giảm giá thành và khắc phục tình trạng thiếu an toàn nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý. Thực hiện tốt dự án năng lượng nông thôn II (RE2). Đầu tư nâng cấp các đài truyền thanh xã, thị trấn đảm bảo đưa tin đến dân cư nông thôn kịp thời. Hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ thông tin, truyền thông tại các Trung tâm học tập cộng đồng, các câu lạc bộ nông dân, nơi sinh hoạt khu dân cư để nắm bắt thông tin thuận tiện. Khuyến khích phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông đến tận khu dân cư nông thôn, đảm bảo nhu cầu thông tin, liên lạc phục vụ nông dân giao dịch thuận lợi.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; các ngành chức năng của huyện đề ra các giải pháp tối ưu, đảm bảo toàn bộ nhân dân trong huyện đều sử dụng nước hợp vệ sinh và 95 % hộ gia đình sống ở nông thôn đều có 3 công trình hợp vệ sinh.
Đến nay, việc phấn đấu xây dựng thị trấn Bồng Sơn phát triển lên đô thị loại 4, thị trấn Tam Quan phát triển thành trung tâm huyện lỵ đã có những khởi sắc. Các trụ sở xã, thị trấn và nơi sinh hoạt nhân dân thôn, khối phố cũng được dần nâng cấp, sửa chữa mới, từng bước hoàn thành qui hoạch trung tâm xã gắn phát triển khu dân cư với xây dựng điện, đường, trường, chợ … theo hướng đô thị hoá nông thôn. Đẩy nhanh tốc độ đầu tư, phát triển các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao, trường học, trạm y tế, hệ thống thương mại dịch vụ…gắn bảo vệ cảnh quan môi trường, truyền thống văn hoá thôn, xã… Thực hiện tốt chương trình phát triển nông thôn mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tỷ lệ đô thị hoá nông thôn đạt 45%.
Nghị quyết “Tam nông” đã và đang đi vào cuộc sống, sinh hoạt của người dân và phát triển diện mạo nông thôn ở Hoài Nhơn. Với việc định hướng sát đúng trong công tác chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn ở địa phương này, tin tưởng “quê lúa” Hoài Nhơn sẽ có được những thành quả vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi NQ7 BCH Trung ương Đảng (khóa X), xây dựng nông thôn Hoài Nhơn ngày càng giáu hơn, đẹp hơn, văn minh hơn.