Tài chính các-bon: Thị trường còn bỏ ngỏ

ThienNhien.Net – “Tài chính các-bon” là một khái niệm còn rất mới tại Việt Nam nhưng lại là chủ đề đang được thảo luận sôi nổi và cũng đang gây ra nhiều tranh cãi trên thế giới. Khi các công cụ kinh tế tiếp tục được áp dụng vào lĩnh vực môi trường nhằm giải quyết sự ấm lên toàn cầu, chúng ta cũng cần tìm hiểu cơ chế hoạt động của những công cụ này để chủ động tìm được cho mình một chỗ đứng thích hợp khi dòng chảy của tài chính các-bon đã và đang tìm đến nước ta.

Từ thuế sinh thái đến tín dụng các-bon

Kể từ khi các nhà hoạt động môi trường, thay vì kịch liệt phê phán giới kinh doanh là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, chuyển sang bắt tay với các nhà kinh tế để cùng tìm ra lời giải cho bài toán phát triển bền vững thì phong trào bảo vệ môi trường đã theo một hướng mới. Người ta đã bắt đầu sử dụng những công cụ kinh tế để nhằm điều tiết hiệu quả hơn những tác động của con người, cả tích cực lẫn tiêu cực, đối với Trái đất.

Ban đầu, thuế sinh thái (ecotax) được đưa ra để đánh thuế lên các hoạt động khai thác và/hoặc gây ô nhiễm hệ sinh thái như sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch (tài nguyên không tái tạo được) hoặc sinh ra khí nhà kính, nhập khẩu các sản phẩm mà quá trình sản xuất gây ô nhiễm (tính vào thuế nhập khẩu) hoặc tính phí khi cho phép một số hoạt động như câu cá, săn bắn, cắm trại ở một số nơi. Thời gian gần đây tại Việt Nam, người ta cũng bắt đầu chú ý đến việc đánh thuế môi trường sau khi phát hiện hàng loạt các vụ vi phạm môi trường nghiêm trọng.  

Trong khi đó, sự ra đời của Nghị định thư Kyoto năm 1997 với cam kết cắt giảm 5% lượng khí nhà kính (so với mức của năm 1990) trong vòng 5 năm, từ 2008 đến 2012, của 37 nước công nghiệp phát triển và Cộng đồng châu Âu (EC) đã tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của một loại thị trường đặc biệt – thị trường buôn bán sự phát thải. Khí CO2 là khí do các ngành công nghiệp thải ra và chiếm chủ yếu trong 4 loại khí gây hiệu ứng nhà kính, bởi vậy từ lâu nay người ta vẫn quen gọi đây là “thị trường các-bon” (carbon market). Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2007, thị trường này đã đạt xấp xỉ 3.000 tỉ tấn các-bon, tương đương khoảng 64 tỉ USD Mỹ (47 tỉ Euro).


Tổng giá trị thị trường các-bon theo các năm. Màu đỏ sẫm: Theo số liệu;

Màu vàng: ước tính (Nguồn: IPCC)


Trên thị trường các-bon, việc mua bán các-bon hay chính xác hơn là việc mua bán sự phát thải khí CO2, được thực hiện thông qua tín dụng các-bon (carbon credit). Mỗi một công ty gây ô nhiễm sẽ có một hạn mức thải CO2 nhất định mà nếu muốn vượt quá hạn mức này cần phải bỏ tiền ra mua thêm hạn mức, gọi là tín dụng các-bon. Tín dụng các-bon có thể được thông qua đầu tư một số dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 hoặc được mua lại từ các công ty khác.

Với việc thay thuế các-bon trực tiếp bằng tín dụng các-bon, CO2 trở thành một loại hàng hóa được đem ra mua bán trên thị trường và do đó, giá cả của nó sẽ do thị trường tự điều tiết. Điều này giúp tránh được các ý kiến phê phán việc mức thuế các-bon do chính phủ đưa ra không hợp lý và việc sử dụng tiền thuế thu được có thể không đúng với mục đích hoặc thiếu hiệu quả.

Các dự án các-bon còn nhiều bất cập

Hoạt động của thị trường các-bon được hỗ trợ bởi 3 cơ chế chính được nêu ra trong Nghị định thư Kyoto, đó là cơ chế buôn bán sự phát thải, cơ chế phát triển sạch (CDM) và cơ chế đồng thực hiện (JI). Trong Kế hoạch Hành động Bali được thông qua tại Cuộc thảo luận lần thứ 13 giữa các bên đối với Công ước khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP13) vào tháng 12/2007 tại Bali (Indonesia), một cơ chế mới được bổ sung nhằm nhấn mạnh vai trò của rừng đối với biến đổi khí hậu. Đó là cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng, viết tắt là REDD. Thông qua các cơ chế này, các nước phát triển với hạn ngạch phát thải khí rất thấp sẽ phải tìm cách đầu tư những dự án góp phần làm giảm phát thải CO2 và sẽ ưu tiên thực hiện tại các nước đang phát triển bởi chi phí thấp. Các dự án này được gọi tắt là các dự án các-bon.

Về lý thuyết, các nước đang phát triển nhờ các dự án các-bon mà có được sự đầu tư cho bảo vệ môi trường, tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến (qua các dự án CDM) và đồng thời cũng có thêm một khoản thu nhờ bán các chứng chỉ các-bon cho các nước phát triển. Các nước phát triển với tư cách là người mua trên thị trường các-bon cũng tiết kiệm được chi phí để giảm thải các-bon bởi các dự án thực hiện ở những nước đang phát triển sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với một dự án tương tự triển khai ở Thế giới thứ nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án các-bon nhận được không ít những chỉ trích từ giới quan sát và bản thân những người trong cuộc. Trong khi một số công ty cho rằng quá trình phê duyệt dự án hiện còn mất thời gian, thủ tục rườm rà thì có một câu hỏi lớn được đặt ra về việc liệu có một sự bắt tay ngầm giữa giới chính trị và các tập đoàn kinh tế để phục vụ lợi ích của các nhà tư bản mà quên đi mục tiêu chính là vấn đề môi trường, chưa kể đến những hy vọng đây đồng thời là một phương tiện giúp xóa đói giảm nghèo. Đã có lời châm biếm rằng các dự án các-bon là các dự án thân thiện với doanh nghiệp chứ không phải thân thiện với môi trường!.

Hơn nữa, chất lượng của các dự án này đang bị đặt một dấu hỏi lớn.Theo tờ Phát triển Ngày nay (Development Today), tại Ấn Độ, một trong ba quốc gia trên thế giới nhận được nhiều dự án CDM nhất, tình trạng ô nhiễm không khí, hủy hoại đất nông nghiệp và đe dọa sức khỏe người dân địa phương do các dự án CDM được ghi lại ở nhiều nơi như Gujrat, Bengal, Jharkhand, Chatissgarh và Orissa. Tờ này tiếp tục nêu ra 6 dự án CDM của một nhà máy điện “than sạch” tại Bhradachalam đã lấy trái phép đất của người bản địa, gây ô nhiễm sông và nguồn nước ngầm, 1 dự án tua bin gió tại Maharashtra đã hủy hoại đất nông nghiệp và các dự án CDM “nhỏ” như thủy điện tại Uttaranchal đã cho xây những con đập lớn và đẩy người dân địa phương phải di dời khỏi nơi sinh sống và canh tác.

Các nhà khoa học cũng như giới quan sát còn đang lật lại vấn đề rằng, liệu bản thân Nghị định thư Kyoto với phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường để giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu là Thay đổi Khí hậu có phải là một lối đi đúng đắn? Theo Jim Watson, một thành viên của Nhóm nghiên cứu năng lượng thuộc trường Đại học Sussex (Anh), thị trường các-bon là một vũ khí quá thô sơ trong cái đang được gọi là cuộc chiến đấu để cứu nhân loại.

Sân chơi không thể tránh được

Bất chấp mọi lời chỉ trích, thị trường các-bon vẫn đang lớn lên từng ngày. Theo báo cáo Thực tế và các Xu hướng phát triển của Thị trường các-bon năm 2008 của Ngân hàng Thế giới, giá trị của thị trường các-bon của năm 2007 tăng gấp đôi so với của năm 2006, tức là từ 31 tỉ lên đến 64 tỉ USD Mỹ. Trong đó, 50 tỉ USD là giá trị của các thị trường mua bán hạn ngạch trực tiếp (allowance market). Phần còn lại, 14 tỉ, thuộc về các thị trường giao dịch thông qua dự án (project-based market). Trong khi EU là thị trường các-bon nội địa sôi động nhất thì khối này cũng là người mua chủ yếu trong các thị trường các-bon thông qua dự án. Về phía “người bán”, Trung Quốc là nước bán được nhiều chứng chỉ các-bon (CER) nhất rồi đến các nước như Ấn Độ, Braxin. Nga và Ukraina là hai nước giao dịch bằng cơ chế đồng thực hiện (JI) nhiều nhất.

Tại Việt Nam, các dự án CDM trên thực tế đã được triển khai. Trong một bài trả lời phỏng vấn của Vietimes, bà Lê Thị Bảo Ngọc – Giám đốc Trung tâm các-bon của Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường (RCEE), một đơn vị đi tiên phong trong việc nghiên cứu và xúc tiến các dự án CDM tại Việt Nam – cho biết, trước năm 2008, RCEE đã xây dựng được 10 dự án CDM và trong năm 2008 tiếp tục có khoảng 20 dự án nữa. Dự tính một năm Việt Nam có thể thu về 24 triệu USD Mỹ từ những dự án này. Con số này dĩ nhiên chưa thể so được với con số hàng tỉ USD của những nước như Trung Quốc, Ấn Độ.

Một khi các dự án các-bon được thực hiện hàng loạt ở Việt Nam, liệu chúng ta có vấp phải những mặt trái của thị trường các-bon mà các nước khác đã phải trải qua? Chính phủ khi đang dành nhiều ưu tiên cho phát triển kinh tế liệu có “nhẹ tay” với những dự án không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường?

Trên thực tế, dòng tài chính các-bon chảy vào nước ta thực ra chưa nhiều, và đó là một cơ hội để chúng ta dần tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi từ các nước đi trước. Nếu làm đúng ngay từ đầu, chúng ta sẽ có cơ hội để có được những lợi ích mà phương pháp tiếp cận này hướng tới. Những bất cập về quy trình xét duyệt sẽ khắc phục được nếu ngay từ bây giờ chúng ta bắt tay vào nghiêm túc xây dựng một hệ thống chặt chẽ và minh bạch. Ngoài ra, CDM cũng không phải là cơ chế duy nhất. Cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng (REDD) được thông qua tại Bali đã mở ra thêm một lối đi khác. Các nhà quản lý, các nhà bảo tồn và doanh nghiệp có tận dụng nguồn tài chính các-bon và cơ chế REDD để đầu tư cho chiến lược phát triển bền vững hay không là một câu hỏi còn đang bỏ ngỏ.

Thị trường các-bon cũng giống như các thị trường khác, một khi đã được hình thành thì sẽ vận hành liên tục. Chúng ta không có cách nào khác là phải tìm cách nắm bắt và điều khiển nó. Câu hỏi đặt ra đối với Việt Nam về sân chơi (thị trường) các-bon, giống như đã từng đặt ra đối với sân chơi toàn cầu hóa, không phải là chúng ta có tham gia hay không mà là chúng ta sẽ tham gia như thế nào. Lý thuyết kinh tế đã chỉ ra đầy đủ các khuyết tật của thị trường, vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để hạn chế được các “khuyết tật” của thị trường các-bon.