ThienNhien.Net – Theo đánh giá mới nhất 6 tháng đầu năm của Ngân hàng thế giới đối với tình hình kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, hiện đang có những dấu hiệu le lói hy vọng cho nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm hồi phục vào giữa 2009. Trong khi đó, các nước trong khu vực đang phải gồng mình hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cập nhật Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương với tựa đề “Nỗ lực đẩy lùi suy thoái kinh tế toàn cầu” cho biết sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu nhờ gói kích cầu khổng lồ có nhiều khả năng bắt đầu năm nay và triển khai rộng vào năm 2010, đóng góp đáng kể vào sự ổn định và rất có thể là sự phục hồi của khu vực. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường đang tiếp tục suy thoái, Báo cáo Cập nhật cảnh báo rằng, phục hồi kinh tế thực sự của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ do tình hình tại các nước phát triển quyết định.
Trước sự giảm sút đáng kể xuất khẩu và sức cầu trong nước đang chậm lại, Ngân hàng Thế Giới dự báo khu vực các nền kinh tế đang phát triển Đông Á sẽ chỉ đạt tăng trưởng GDP thực ở mức 5.3% trong năm 2009, giảm so với 8% năm 2008 và 11,4% năm 2007. (Tháng trước, trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Trung Quốc hàng quý, Ngân hàng Thế giới đã hạ mức dự báo cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống còn 6,5% cho năm nay từ mức 13% trong năm 2007).
Các nước thu nhập thấp trong khu vực được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ nhất bởi suy thoái và sự can thiệp không mấy hiệu quả của chính phủ trong việc hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn nhất. Campuchia có khả năng phải đối mặt với mức tăng trưởng giảm mạnh nhất do sức cầu yếu đối với các mặt hàng may mặc và du lịch trong khi Lào, Mông Cổ, Papa New Guinea và Timor-Leste sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề của giá hàng hóa tụt dốc.
Trước thềm Hội nghị Tài chính ASEAN 13 diễn ra tại Pattaya, Thái Lan vào cuối tuần này, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Jim Adams, đánh giá cao các chính phủ trong khu vực đã nhanh chóng phản ứng chống lại cuộc khủng hoảng tài chính thông qua các nỗ lực chính sách rất đa dạng như các gói kích cầu tài chính, can thiệp chính sách tiền tệ và các chương trình mạng lưới an toàn xã hội.
“Các biện pháp mà các chính phủ áp dụng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trên toàn khu vực đang phát huy tác dụng trong việc giảm thiểu tác động đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt trong ngành sản xuất và xây dựng gia tăng, chúng ta cần tăng cường các nỗ lực đảm bảo an toàn xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu thực tế nhất”, ông Adams nói.
Tăng trưởng yếu sẽ làm chậm lại tiến trình giảm nghèo trong khu vực. So với dự báo một năm trước, năm nay hơn 10 triệu người nữa vẫn phải sống dưới chuẩn nghèo, Báo cáo Cập nhật cho biết. Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Timor Leste dự báo sẽ phải đối mặt với tỷ lệ nghèo tăng lên.
Báo cáo cũng cho biết, khu vực đang nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ những người nghèo và dễ bị tổn thương đặc biệt tại các nước có thu nhập trung bình. Vào cuối 2008, Trung Quốc đã hỗ trợ bằng tiền mặt một lần cho 74 triệu người bao gồm hàng triệu hộ gia đình nông thôn, đồng thời thực hiện cắt giảm thuế đi cùng các gói cải cách y tế nhằm tăng khả năng tiếp cận chăm sóc y tế cho người nghèo. Indonesia đã trợ giúp 19 triệu hộ gia đình nghèo thông qua việc nối lại chương trình trợ cấp tiền mặt cho các đối tượng mục tiêu, trong khi Phillipines mở rộng diện hưởng trợ cấp theo chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt có điều kiện đối với người nghèo.
Ông Vikram Nehru, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực của Ngân hàng Thế giới cho biết: “ Rõ ràng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đang trong thời điểm hết sức khó khăn. Các quốc gia có năng lực trong việc đối phó với những thách thức ngắn hạn đồng thời tập trung vào các ưu tiên dài hạn sẽ có điều kiện tốt hơn nối lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng”.
“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể đạt được mức tăng trưởng cao với điều kiện phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập các thị trường mới và khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước sáng tạo thay vì rập khuôn theo các mô hình khác”, ông Nehru cho biết.
Ngân hàng Thế giới sát cánh cùng các quốc gia khu vực Đông Á và Thái Bình Dương trong việc đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính thông qua hỗ trợ tài chính và tăng cường tư vấn chính sách liên quan đến các biện pháp nhằm bảo vệ nhưng người nghèo và dễ bị tổn thương.