ThienNhien.Net – Rừng phòng hộ ven biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các khu vực ven bờ khỏi sự đe doạ của bão, sóng thần và những nguy cơ khác. Myanmar là một bằng chứng rõ ràng nhất, những khu rừng ven biển của Myanmar đã giảm đáng kể thiệt hại do sóng thần và nước biển dâng cao trong trận bão Nargis. Tuy nhiên, rất nhiều cánh rừng ngập mặn ở đất nước này đã bị chặt trắng trong hàng thập kỷ qua, làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn cho các cộng đồng dân cư ven biển.
Trong những năm qua một phần lớn diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của Myanmar đã bị chuyển đổi thành đất sản xuất nông nghiệp, làm ao cá và lấy gỗ nhiên liệu. Rất nhiều người dân đã kéo đến sinh sống quanh khu vực bờ biển, mặc dù những tai hoạ thiên nhiên như bão, sóng thần luôn rình rập họ khi diện tích rừng phòng hộ đã mất. Diện tích rừng ngập mặn vùng châu thổ Ayeyarwady, nơi có khả năng chống lại bão từ đại dương tốt nhất, đã bị giảm hơn một nửa so với năm 1975, nay chỉ còn 100.000 ha. Nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm diện tích rừng là sự khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.
Ở những khu vực ngập nước tới 5m của châu thổ Ayeyarwady, sóng có thể dâng cao tới 3,5m khi có xoáy tụ. Những khu rừng ngập mặn ven biển đóng vai trò như tấm lá chắn, tuy không thể ngăn được hiện tượng nước biển dâng cao và tràn sâu vào đất liền trong bão song diện tích rừng kể trên đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm bớt các thiệt hại do bão và sóng thần gây ra. Những khu rừng ngập mặn đó như là những tấm bình phong, do đó sức tàn phá của gió trong cơn bão đã bị giảm đáng kể. Những cánh rừng trở thành nơi cư trú cho các sinh vật sống, trong đó có cả con người khi cơn bão đi qua.
Hơn nữa, nhờ vào tầng tán cây đan xen lẫn nhau, đặc biệt là hệ thống rễ dày đặc của rừng cây ngập mặn, tác động của sóng biển vào vùng bờ đã bị giảm đáng kể. Rõ ràng là một cánh rừng rậm rạp với thân, cành và rễ chằng chịt có khả năng bảo vệ tốt hơn nhiều so với những khu rừng đã bị tàn phá hoặc những khu rừng thưa thớt. Rừng ngập mặn cũng trở thành những tấm đệm có khả năng cân bằng và gắn kết các trầm tích, từ đó giảm nguy cơ xói mòn bờ biển do sóng gây ra, ngăn chặn sóng thâm nhập sâu vào lục địa.
Khi cơn bão Sidr đổ bộ vào Nam Bangladesh hồi tháng 11 năm 2007, những cánh rừng đước ở Sunderbans đã đóng vai trò nòng cốt trong việc giảm nhẹ những thiệt hại do sóng to gió lớn gây ra. Trong tương lai, do hậu quả của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao cùng với sự gia tăng cường độ và mật độ các cơn bão sẽ khiến cho các khu vực ven biển phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Bài học về cơn bão ở Ấn Độ dương vào năm 2004 đã cho thấy cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ và duy trì những khu rừng ngập mặn ở châu thổ Ayeyarwady.
Các nhà khoa học cho rằng cần ngăn chặn hiện tượng di dân ra những khu vực bờ biển, thêm vào đó cần phải tiếp tục duy trì các biện pháp cụ thể để bảo vệ tài sản và con người quanh khu vực này trong tương lai. Đồng thời, các quốc gia cũng phải triển khai các hệ thống cần thiết như hệ thống cảnh báo sớm, các kế hoạch sơ tán, cũng như hạ tầng giao thông – thông tin liên lạc và nơi tị nạn cho người dân khi có những cơn bão như bão Nargis hoành hành.
Nhận thấy tầm quan trọng của những cánh rừng ngập mặn trong việc bảo vệ và duy trì cuộc sống của con người vùng châu thổ Ayeyarwady, Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã thực hiện ba dự án tại các khu vực từng chịu ảnh hưởng của bão Nargis. Một trong ba dự án nhằm triển khai việc quản lý bền vững các khu rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng tại Wunbaik. Thêm vào đó, chương trình hợp tác giữa Italia và FAO năm 2008 cũng đã hỗ trợ nhằm phát triển các cánh rừng đước phòng hộ trong khu vực và giảm thiểu tác động của ngành nuôi trồng thuỷ hải sản.