ThienNhien.Net – Mới đây, Thanh tra giao thông tỉnh Bình Định phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể huyện Phù Mỹ và xã Mỹ Thắng đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ một số hồ nuôi tôm trên cát vi phạm hành lang an toàn tuyến đường ven biển (ĐT639) của tỉnh. Đây là một việc làm cần thiết nhằm lập lại an toàn hành lang cho tuyến đường chiến lược này. Tuy nhiên, cách làm việc của Hội đồng cưỡng chế (HĐCC) chưa thực sư thấu tình đạt lý, khiến người dân hết sức bất bình.
ĐT639 là tuyến đường ven biển kéo dài từ Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) đến Tam Quan (Hoài Nhơn), tỉnh Bình Định, có chiều dài 107km, là đường cấp 3 đồng bằng, nhưng do chưa đủ kinh phí nên trước mắt thi công với quy mô đường cấp 5 đồng bằng. Từ khi được xây dựng, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn tuyến đường này trở nên nở rộ.
Từ khi có tuyến đường này đi qua (khoảng năm 2005-2006), theo ông Lê Tiến Dũng – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ (Bình Định) thì tình trạng lấn chiếm hành lang tuyến ĐT 639 tại địa phương diễn ra rất phức tạp. Hiện nay, tình trạng này đã phát triển tràn lan, không chỉ có ao hồ nuôi trồng thuỷ sản mà còn có cả nhà ở… Trong đợt cưỡng chế “điểm” vừa qua, HĐCC chỉ tiến hành tháo dỡ 4 hồ nuôi tôm trên cát của 3 hộ dân, tại thôn 8 Đông (xã Mỹ Thắng).
Các hồ tôm này do các hộ nuôi trồng thuỷ sản thuộc dự án 2, chương trình nuôi tôm trên cát của Sở Thuỷ Sản, cơi nới lấn chiếm hành lang tuyến ĐT 639 tạo lập. Đây là các hồ mới phát sinh khoảng 1 năm trở lại đây do thấy các hộ lấn chiếm trước đó làm ăn được mà không bị xử lý nên “bắt chước” làm theo.
Khi nghe có chủ trương cưỡng chế, biết việc làm của mình là sai, nhưng vì vốn đầu tư vào hồ tôm quá lớn (khoảng 200 triệu đồng) nên ngày 03/03/2009, họ đã có “Đơn xin cam kết” gửi đến các ban ngành đoàn thể từ huyện đến xã hứa: “Sau khi thu hoạch xong vụ tôm đang nuôi sẽ tự tháo dỡ”.
Đơn xin cam kết tự tháo dỡ của hộ dân nhưng không được “đoái hoài” tới. |
Tuy nhiên, lời “khẩn cầu” này lại không hề nhận được bất cứ một phản hồi nào từ phía ngành chức năng(?!) Cho đến ngày bị cưỡng chế tháo dỡ, các hộ dân này cũng không hề nhận được một văn bản thông báo nào về ngày giờ cưỡng chế cụ thể(?!) Ngay cả ông Lê Tiến Dũng, người chủ trì buổi cưỡng chế cũng lúng túng: “Có văn bản không tôi cũng không rõ nữa(?!)”.
Lạ lùng hơn, đúng vào ngày cưỡng chế (05/03), ông chủ tịch xã lại có thông báo yêu cầu các hộ nuôi tôm trên cát đến Phòng Tài nguyên & Môi trường để lập đề án bảo vệ môi trường, kèm theo lời “đe”: “Nếu chủ nuôi tôm không thực hiện, sau này đoàn thanh tra đi kiểm tra nếu không có hồ sơ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” (Công văn số 20/CV-UBND, ngày 02/03/2009 của Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng).
Không những thế, theo phản ánh của người dân địa phương, khi tiến hành cưỡng chế, HĐCC còn “cho người dùng xung điện kích cho tôm chết sau đó mới dùng lưới kéo tôm”(?!) (Giấy xác nhận ngày 16/03/2009), trong khi loại phương tiện đánh bắt huỷ diệt này đã bị Nhà nước cấm sử dụng.
Sau đó, để dễ kéo tôm trong hồ, thay vì tháo nước trong hồ theo hệ thống xả ở “rốn” hồ, HĐCC lại cho xe đào, múc thủng bạc chứa nước, làm nước trong các hồ tôm thẩm thấu ra ngoài, gây ô nhiễm và nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt và nước nuôi tôm của các hộ xung quanh.
Để đảm bảo an toàn cho đoàn cưỡng chế, ông Lê Tiến Dũng, người chủ trì buổi cưỡng chế đã “lệnh” cho cúp… cả trạm hạ thế của vùng, làm cho các hồ tôm không bị cưỡng chế cũng bị cúp điện gần nửa tiếng (mặc dù mỗi hồ tôm đều có hệ thống điện riêng có thể cắt điện bất cứ lúc nào.)
Do bị cúp điện, các dàn đảo ôxi các hồ tôm trong vùng “đứng bánh”, tôm thiếu khí nổi lên thoi thóp, thậm chí có nơi tôm đã chết, phải dùng thuốc xử lý, gây thiệt hại không nhỏ. Về vấn đề này, ông Dũng thừa nhận sai nhưng cho rằng mình: “Chỉ cho cúp khoảng 5 phút, sau đó thấy không đúng nên cho đóng điện trở lại”(?!).
Cũng cần nói thêm, trong các Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Phù Mỹ đều có bước: “Kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá”. Trong “Phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế” do ông Lê Tiến Dũng lập cũng nêu: “Tôm, cá đang nuôi trong hồ sẽ được lập biên bản kê biên và tổ chức bán ngay cho tư thương”.
Thế nhưng, tôm của các hộ dân vớt lên, HĐCC không tiến hành thanh lý để hỗ trợ chi phí cưỡng mà lại để cho ươn thối rồi đem đi… đào lỗ chôn. Theo xác nhận của ông Lê Tiến Dũng là có chôn khoảng 42kg vì đã bị ươn thối(!?) Trong khi đó, theo thống kê của các hộ dân thì số lượng này còn lớn hơn rất nhiều. Các quyết định này cũng nêu rõ HĐCC sẽ: “Khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành lang chính gây ra”. Trong phương án cưỡng chế cũng cho rằng: “Công việc cưỡng chế chính là san lấp toàn bộ phần diện tích hồ tôm vi phạm nằm trong chỉ giới hành lang an toàn đường ĐT639”.
Đơn cầu cứu của các hộ xung quanh bị ảnh hưởng do cưỡng chế gây ra. |
Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, công việc chủ yếu của HĐCC là… phá hỏng hồ tôm của người dân, sau đó cho xe ủi cát lấp vài đường lấy lệ rồi… để đấy. Sở dĩ có điều này, theo ông Dũng là do: “Thời gian và kinh phí hạn hẹp”(?!) Trong khi đó, tổng kinh phí dự trù để thực hiện cho đợt cưỡng chế “điểm” này lên đến 103,9 triệu đồng và do các đối tượng vi phạm chịu trách nhiệm thanh toán (theo điều 2 của các quyết định cưỡng chế).
Theo HĐCC thì: “Các hồ tôm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người và các phương tiện tham gia giao thông nên bị cưỡng chế”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương thì còn nhiều hồ khác của một số vị cán bộ huyện, xã vi phạm ở mức độ tương tự và đã vi phạm nhiều năm nay nhưng không hề bị “xử”(?!)
Mặt khác, với cách cưỡng chế “chiếu lệ” này liệu tính mạng và phương tiện của người tham gia giao thông có được đảm bảo(?!) Không những thế, với kiểu cưỡng chế “nửa vời” này, vô hình dung, trách nhiệm của HĐCC là đi phá huỷ tài sản của người dân chứ không phải đi lập lại hành lang an toàn giao thông(?!)
Thiết nghĩ, việc tiến hành cưỡng chế giải phóng hành lang tuyến đường ven biển chiến lược này của ngành chức năng tỉnh Bình Định là một việc làm đúng đắn và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu HĐCC làm việc không “thấu tình đạt lý”, chắc chắn người dân sẽ không “tâm phục khẩu phục”.