ThienNhien.Net – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng, thiên tai và các thảm họa do con người gây ra đang gia tăng trên toàn thế giới, điều đó sẽ làm bùng nổ nhiều bệnh dịch. Do đó, việc đầu tư xây dựng bệnh viện và các cơ sở y tế có thể trụ vững trước động đất và các thảm họa khác là vô cùng cần thiết.
Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới mùng 7 tháng 4, WHO đã kêu gọi xây dựng bệnh viện và cơ sở y tế một cách an toàn kiên cố trong các tình huống khẩn cấp và đảm bảo rằng các cán bộ y tế phải được đào tạo để điều trị thương tật và chăm sóc sức khỏe cho những người bị nạn trong các tình huống đó. Vì bệnh viện chính là chiếc phao cứu sinh mang tính sống còn trong thảm họa.
Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay là “Cứu mạng sống! Xây dựng bệnh viện an toàn trong các tình huống khẩn cấp”, mang tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực Tây Thái bình dương, nơi xảy ra hơn một phần tư các vụ thiên tai trên toàn thế giới trong vòng 10 năm qua, phá hủy nghiêm trọng hệ thống các cơ sở y tế.
“Trong thảm họa và các tình huống khẩn cấp, các cơ sở y tế quyết định sự sống còn. Các cơ sở y tế cần vững chắc về kết cấu, được trang bị đầy đủ cả về thiết bị và nhân lực, với các cán bộ y tế được đào tạo bài bản để sẵn sàng ứng phó”, Tiến sỹ Shin Young-soo, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết.
Khu vực Tây Thái Bình Dương, gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ, rất dễ xảy ra các thảm họa như bão nhiệt đới, lũ lụt, động đất và phun trào núi lửa, cũng như các hậu quả của biến đổi khí hậu. Tại đây cũng tồn tại các nguy cơ mới nổi, như các mối đe dọa về hóa chất và sinh học, xung đột vũ trang và khủng bố, cũng như các tình huống khẩn cấp về môi trường.
Bản báo cáo Thảm họa Thế giới năm 2006 cho biết tại Khu vực Tây Thái Bình Dương đã có gần 185 000 người bị thiệt mạng do thiên tai trong khoảng thời gian từ năm 1996 tới năm 2005.
Các tình huống khẩn cấp mới xảy ra gần đây bao gồm:
• Tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, một trận động đất mạnh vào tháng 5 năm 2008 đã phá huỷ và làm hư hại hơn một nửa trong tổng số 6800 bệnh viện của tỉnh, buộc mười ngàn người dân phải tìm đến các nơi khác để được điều trị.
• Tại Philippine, bão Fengshen đã phá hủy và làm hư hại 89 bệnh viện và cơ sở y tế vào tháng 6 năm 2008.
• Tại Quần đảo Solomon, một trận sóng thần năm 2007 đã làm hư hại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế, và làm cho cộng đồng dân cư bị nhiễm chất amiăng.
“Báo cáo cũng chỉ ra rằng, thiệt hại đối với các cơ sở y tế có thể chiếm tới 60% chi phí y tế hàng năm của chính phủ, vì thế xây dựng các cơ sở y tế an toàn kiên cố đôi khi lại là một cách thực tế để tiết kiệm chi phí. Quyết tâm chính trị về phía chính phủ, các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý bệnh viện là một yếu tố quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Họ có thể đảm bảo rằng bệnh viện được xây ở những nơi an toàn, việc thiết kế và xây dựng các cơ sơ y tế được thực hiện tốt và nhân viên được đào tạo đầy đủ.” Tiến sỹ Shin nói.
Bên cạnh đó, việc trang bị thêm, củng cố, tăng cường và các can thiệp kỹ thuật khác…cho các cơ sở y tế là không tốn kém và có thể bảo vệ 90% giá trị của bệnh viện. Hơn nữa, có thể sử dụng một bảng kiểm đơn giản để tiến hành đánh giá nhanh mức độ an toàn của bệnh viện trong các tình huống khẩn cấp và thảm họa. Các nhà quản lý bệnh viện có thể thực hiện nhiệm vụ này mà không cần sự trợ giúp tức thì của các kỹ sư và kiến trúc sư.