ThienNhien.Net – Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 5.000 ha cà phê bị khô hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê trồng không theo quy hoạch ở các huyện Krông Búk, Krông Năng, Cư M’Gar.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng còn kéo dài nên diện tích cà phê của Đắk Lắk bị khô hạn tiếp tục tăng cao. Tỉnh chỉ đạo các địa phương cần quản lý, điều tiết nước hợp lý, huy động mọi nguồn lực để bơm tưới chống hạn cho cây cà phê, khuyến cáo nông dân tiết kiệm nước…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hàng chục công trình thủy lợi, sông suối tự nhiên và hàng trăm giếng nước bị cạn nước. Riêng tại xã Phú Xuân (huyện Krông Năng) có 6 công trình thủy lợi, nhưng tới 3 công trình đã cạn khô đáy.
Công trình thủy lợi Chúc Tre theo thiết kế tưới 200 ha cà phê của 3 thôn: Xuân Thịnh, Xuân Lộc, Xuân Ninh, nay cũng không còn nước tưới. Tình trạng này cũng đang diễn ra tại xã Cư Né (huyện Krông Búk), ở đây có 4 công trình thủy lợi khô cạn.
Nhiều vùng cà phê trồng trên đồi dốc, xa nguồn nước của các địa phương Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Búk, Buôn Đôn…, đến thời điểm này chỉ mới tưới được một đợt (trong khi nhu cầu của cây cà phê trong mùa khô thấp nhất là tưới 3 đợt nước) nên cây cà phê đã khô héo.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 182.000 ha cà phê, trong đó có 173.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng mỗi năm đạt từ 400.000 đến 440.000 tấn cà phê nhân.
Tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch ổn định diện tích cà phê vào khoảng 140.000 ha vào 2015, trong vùng sinh thái thuận lợi, sản lượng từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên mỗi năm.
Tỉnh đang rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện, xã, và kiên quyết chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dóc trên 15 độ, sản xuất kém hiệu quả./.