ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu không còn đơn thuần là một thảm họa sinh thái, nó còn là nguyên nhân ẩn sau những cuộc xung đột tồi tệ nhất trên thế giới.
Darfur, một vùng đất đồi núi khô cằn nằm ngay dưới chân hoang mạc Sahara, phía tây Suđăng – nơi đã trải qua những thảm họa tồi tệ nhất do chính con người tạo ra, cũng chính là nơi mà cuộc chiến tranh giành nước sạch đầu tiên của thế kỷ 21 nổ ra. Trong bốn năm xung đột đã có 200 nghìn người thiệt mạng và hơn 2,5 triệu người khác bị mất nhà cửa. Nguyên nhân đầu tiên của cuộc xung đột là do những người Ả Rập phân biệt chủng tộc – janjaweed – và những thế lực ủng hộ họ trong chính quyền Suđăng phát động một chiến dịch tiêu diệt người Châu Phi và những nông dân Ả Rập khai hoang vùng Darfur bằng những cuộc tàn sát, cướp bóc, thiêu rụi hàng nghìn ngôi làng.
Nhưng họ lại dễ dàng quên mất rằng trước khi con người tự gây ra tai họa cho chính mình thì vùng đất này đã liên tục hứng chịu những thảm họa của tự nhiên. Giờ đây để sinh tồn tại vùng đất khô cằn của hoang mạc Sahara này người ta phải đấu tranh không ngừng để giành lấy chỗ trú ngụ, thức ăn và nước uống. Trong quá khứ, dân du mục Ả rập và những nông dân khai hoang người Châu Phi hay Ả rập đã cùng sống trong hòa bình, khi người nông dân cho phép dân du mục chăn thả gia súc trên đất của họ để đổi lấy thịt và sữa. Nhưng rồi sự hòa hợp như thế không còn nữa, giờ đây họ chọn cách chiến đấu để giành giật mọi thứ.
Tháng 10 năm 2007, Ông Muammar Gaddafi, một nhà lãnh đạo người Lybi sau những nỗ lực bất thành vì nền hòa bình ở Darfur đã phát biểu: “Có thể bạn sẽ cười nếu tôi nói rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề chỉ là một con lạc đà, nhưng châu Phi hiện đang có hàng nghìn vấn đề kiểu như vậy, như những vấn đề về nước hay về cỏ chẳng hạn.”
Sự cạnh tranh ngày một sâu sắc hơn khi hoang mạc Sahara đang lấn dần về phía Nam, cát đang thay thế dần cho đất. Và chính sự nóng lên của trái đất vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tình trạng trên. Tháng 11 năm 2006, Hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu đã cảnh báo rằng: Trong một phần tư thế kỷ tới, sự nóng lên của trái đất sẽ đe dọa cuộc sống của khoảng 65 đến 95 triệu người châu Phi, và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là vùng hoang mạc Sahara. Những cảnh báo của Liên Hợp Quốc đã thúc đẩy các thành viên liên chính phủ tại hội nghị đưa ra tuyên bố châu Phi là lục địa hứng chịu những tác động xấu nhất từ tình trạng nóng lên toàn cầu.
Không khó để châm ngòi một cuộc chiến tranh mới ở vùng đất này. Ông Michael Klare giám đốc chương trình bảo vệ hòa bình thế giới đã nói rằng: “Ở Darfur, sự nóng lên của trái đất đang tạo ra và làm trầm trọng thêm làn sóng phân biệt chủng tộc, mà phân biệt chủng tộc lại chính là nguyên nhân cốt lõi của những xung đột.”
Nhiều mâu thuẫn tại châu Phi đựợc ví như những mồi lửa chỉ cần một tia sét đánh trúng là sẽ bốc cháy. Tại phía bắc Kenya, các bộ tộc Turkana và quân đội có vũ trang giết người và cướp bóc, như một vòng luẩn quẩn của bạo lực đang bùng lên dữ dội sau 8 năm khô hạn. Tại Rwanda, người ta ngày càng tin rằng những cuộc diệt chủng ở châu lục này một phần bắt nguồn từ sự giành giật của quá nhiều người cùng tồn tại trên một diện tích đất canh tác chật hẹp.
Tháng 11 năm 1999, một chương trình phát triển của Liên hợp quốc đã dự báo rằng đến năm 2025 cứ 2 người dân châu Phi sẽ có một người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước dẫn đến bạo lực nổ ra dọc bờ sông Nile và vùng châu thổ các sông khác như Niger, Volta, Zambezi.
Trên toàn thế giới, Liên hợp quốc đang rất quan tâm tới những thảm họa về môi trường sinh thái – những thảm họa rất có thể là nguyên nhân cho những xung đột mới. Nguồn cung cấp nước từ biển Ả Rập đến khu vực Xô Viết cũ đã giảm đi một nửa, các khối băng khu vực dãy Himalaya, nguồn cung cấp nước tới các nhánh sông phục vụ nhu cầu nước cho 500 triệu dân cũng đang tan chảy. Trung Quốc cũng có những kế hoạch xây dựng đập ngăn nước ở thượng nguồn sông Mêkông, hệ thống sông cung cấp nước cho 65 triệu người dân khu vực Đông Nam Á.
Một bản báo cáo năm 2003 của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc đã dự báo: “Thiếu nước sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của 400 triệu người và con số này ước tính sẽ tăng hàng chục lần vào năm 2050 – tương đương với một phần sáu dân số toàn thế giới vào thời điểm đó. 1,1 tỷ người sẽ không có nguồn cung nước sạch thường xuyên hoặc thậm chí là thiếu hoàn toàn nước sạch. Ông Klaus Toepfer – lãnh đạo Cơ quan Môi trường của Liên hợp quốc trong một bài phát biểu của mình từng nói rằng: “Cuộc chiến tranh tiếp theo có thể sẽ là cuộc chiến tranh giành nước.”
Quan điểm cho rằng thời tiết chính là nguyên nhân gây ra chiến tranh ngày càng trở nên thuyết phục nhiều người hơn. Ngày 16/04/2007, nhóm 11 người nguyên là đô đốc và sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ đã công bố một bản báo cáo cho Trung tâm phân tích Hải quân Hoa Kỳ, trong đó đề cập đến biến đổi khí hậu như một mối đe dọa nguy hiểm tới các vùng dễ bị tổn thương trên trái đất. Ngay ngày hôm sau, tại cuộc tọa đàm của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu và những xung đột liên quan được tổ chức tại NewYork, ngoại trưởng Anh, bà Margaret Beckett, chủ tọa cuộc hội nghị khi được hỏi: “Cái gì đang châm ngòi cho chiến tranh?” đã trả lời: “Chiến đấu để giành lấy nước do sự thay đổi lượng mưa, chiến đấu để giành lấy nguồn thức ăn và quyền sử dụng đất. Đó là một số vấn đề không nhỏ có nguy cơ đe dọa không chỉ tới nền kinh tế mà còn đe dọa cả nền hòa bình thế giới.”
Phát biểu bên lề hội nghị ông Philip E. Clapp- nguyên thống đốc thành phố New York dựa trên báo cáo của National Environmental Trust – một tổ chức hoạt động về môi truờng của Mỹ cũng cảnh báo rằng: “Sự nóng lên của trái đất không đơn thuần chỉ là vấn đề về môi trường mà nó đã lan nhanh thành cuộc khủng hoảng của toàn nhân loại, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người. Chính sự nóng lên của trái đất có thể làm tồi tệ thêm sự bất ổn chính trị vốn đã lung lay tại các quốc gia từ Nam Phi cho đến Trung Đông và cả khu vực Đông Nam Á.”
Song song với sự gia tăng của các hoạt động kinh tế, sự biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp diễn và thêm trầm trọng. Cần có những biện pháp nhân đạo đơn giản như trợ giúp về chỗ ở để giảm nhẹ những căng thăng trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Nếu chính sự biến đổi khí hậu là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, và Phương Tây lại là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu thì Phương Tây gián tiếp có trách nhiệm với những cuộc chiến tranh này. Ông Yoweri Museveni, tổng thống Ugandan, đất nước có nền kinh tế dựa vào thủy năng tạo ra từ hệ thống sông hồ giờ đây ngày càng cạn kiệt do hạn hán gây ra, rất ủng hộ quan điểm này. Ông nhìn nhận: “Biến đổi khí hậu như một hành động xâm lược của các nước giàu chống lại nước nghèo.”
Darfur có thể được bảo vệ không? Chúng ta đã rõ những gì cần phải làm. Ưu tiên trước nhất là kết thúc cuộc giao tranh bằng những hiệp định ngừng bắn và gửi đến vùng đất này những lực lượng gìn giữ hòa bình. Song về lâu dài, Darfur cần có những chính sách sử dụng đất hợp lý và quản lý nguồn nước một cách cẩn trọng, trong khi phần còn lại của thế giới cần phải cắt giảm lượng khí thải.
Tuy nhiên, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, bà Beckett đã phải đối mặt với sự phản đối của Trung Quốc và Hoa kỳ cùng đại diện cho hai nhóm nước đang phát triển. Họ cho rằng diễn đàn này không thích hợp cho cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu, nghĩa là họ tỏ ra nghi ngờ rằng chính sự biến đổi khí hậu dẫn tới chiến tranh.
Song, có lẽ nếu chỉ một lần đến vùng đông bắc Chad, họ sẽ thay đổi suy nghĩ, khi chứng kiến sự chết chóc của những đàn lạc đà – loài vật có thể di chuyển trên sa mạc Sahara suốt 3 tuần mà không cần nước, khi chứng kiến những ngôi nhà cây dựng bằng vách đất nhồi rơm, có những đứa trẻ thay vì mỉm cười và vẫy tay với khách như bình thường lại tránh đi nơi khác, khi chứng kiến những người thuộc lực lượng dân quân janjaweed cưỡi ngựa, đeo súng giữa ban ngày, khi thấy những trại tị nạn dành cho các gia đình đến từ Darfur…