ThienNhien.Net – Dự án Nông nghiệp hữu cơ do tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) hiện đang được triển khai tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn- tỉnh Bắc Giang và sắp tới sẽ nhân rộng mô hình “nông nghiệp sạch” này ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
ADDA- là một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch- phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích đáng kể như bảo vệ môi trường, tạo ra nông sản hoàn toàn sạch và có giá trị kinh tế cao, bảo vệ sức khoẻ con người.
Bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2006, 20 hộ nông dân ở xã Thanh Hải tham gia dự án đã được tham dự các lớp tập huấn và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với cây vải thiều trên quy mô diện tích khoảng 10 ha. Các hộ nông dân đã áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật canh tác như sản xuất phân bón (phân ủ) tại chỗ; nuôi các loài côn trùng có ích và giữ gìn đa dạng sinh học; chỉ sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại; thiết kế khu vườn trồng bằng cắt tỉa, tạo tán; áp dụng hệ thống luân canh và trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày khác…
Đến nay, mô hình này đang được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều hộ nông dân địa phương tự nguyện áp dụng vào sản xuất do có nhiều lợi ích như chất lượng quả vải thiều cao hơn, bán được giá cao hơn (chẳng hạn vụ vải năm 2008 bán được khoảng 7.000 đồng/kg, gấp 1,5-2 lần so với canh tác truyền thống) và được tiêu thụ tốt hơn, tăng độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một ưu điểm đáng chú ý khác của sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thực hiện PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia của các thành viên), tức là nếu các đơn vị, doanh nghiệp thu mua nông sản theo dự án còn băn khoăn về ưu điểm và lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì có thể trực tiếp tham gia dự án và tự áp dụng quy trình sản xuất cũng như giám sát chất lượng sản phẩm của chính mình.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những phương pháp canh tác tiên tiến và đang được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất độc hại cũng như các loại chế phẩm biến đổi gen. Theo các chuyên gia nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích như duy trì và bảo vệ toàn bộ độ phì nhiêu của đất; ít gây ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ đời sống hoang dã của các loài chim, ếch, nhái, côn trùng…; tính đa dạng sinh học cao và tạo dựng được nhiều cảnh quan đẹp; đối xử tốt hơn đối với các động vật nuôi cũng như con người; ít sử dụng năng lượng và đầu vào không có khả năng phục hồi từ bên ngoài; ít dư lượng thuốc trừ sâu trong thực phẩm; không có chất kháng sinh và hoócmôn trong các sản phẩm động vật; chất lượng sản phẩm tốt hơn, sạch hơn, an toàn hơn.
Theo đó để mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thành công phải đảm bảo 5 nguyên tắc: Bảo toàn sinh thái trại trên vùng sản xuất, làm phong phú hệ sinh thái nông nghiệp hơn, sử dụng biện pháp cơ học cùng chu trình tự nhiên, ngăn ngừa sự ô nhiễm từ bên ngoài và tự cấp vật liệu sản xuất.
Trong năm 2009, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tổ chức 8 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các hộ nông dân tự nguyện tham gia và tiếp tục nhân rộng mô hình này trên cây vải thiều và các loại rau tại một số xã của thành phố Bắc Giang và huyện Lạng Giang./.